Cải thiện môi trường kinh doanh: Thay đổi tư duy quản lý để thúc đẩy phát triển

Tình hình kinh tế thế giới hiện vẫn đang bất ổn bởi đại dịch Covid-19. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, theo các chuyên gia, Việt Nam phải giải quyết tốt hơn “bài toán” về chính sách để doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Nhiều khoảng trống

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, nhờ những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới liên tục cải thiện trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2015, Việt Nam đạt 61,11 điểm; 63,83 điểm năm 2016; 2017 là 67,93; 68,36 năm 2018 và 69,80 năm 2019. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực thi vẫn còn nhiều khoảng trống.

cai thien moi truong kinh doanh thay doi tu duy quan ly de thuc day phat trien
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để vượt qua khủng hoảng

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, qua hơn một năm triển khai Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, đến nay, các bộ, ngành đã hiểu rõ hơn trách nhiệm trong việc cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, các địa phương chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh. Qua đó, tạo thuận lợi thu hút đầu tư và DN hoạt động; DN tham gia ngày càng nhiều hơn, tích cực hơn vào công cuộc cải cách môi trường kinh doanh, thảo luận chính sách…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, việc thực hiện Nghị quyết 02 vẫn còn nhiều hạn chế và có xu hướng chững lại trong nửa đầu năm 2020. Một tác nhân khách quan đó là do tác động của dịch Covid-19 nên các giải pháp về cải cách quy định, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có xu hướng chậm lại và ít được quan tâm, chú ý. Các bộ, ngành, địa phương chủ yếu thực hiện các giải pháp chống dịch. “Các giải pháp hỗ trợ DN trong dịch bệnh cũng nhanh chóng được Chính phủ ban hành, tuy nhiên, nhiều giải pháp chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của DN và cũng rất ít DN tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều tiêu chí không khả thi” - bà Thảo cho hay.

Cần thông thoáng về chính sách

Công tác cải cách và quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng chững lại, ít chuyển biến. Việc kiểm tra chuyên ngành chưa thống nhất, còn nhiều vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành chậm được giải quyết. Việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia chưa thực sự hiệu quả, nhiều thủ tục kết nối mang tính hình thức, thiếu kết nối thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ, với độ mở của nền kinh tế lớn, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi chưa thể thông thương bình thường trở lại do kích cầu thế giới hiện đang rất yếu và thấp; căng thẳng thương mại giữa nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục leo thang.“Với mục tiêu GDP năm 2020 đạt khoảng 5%, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ giảm khoảng 7%, đây là nhiệm vụ nặng nề: Vừa phục hồi kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, vừa đổi mới mô hình tăng trưởng. Điều này đặt ra áp lực rất lớn về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh” - TS. Nguyễn Đình Cung phân tích. Để giải quyết được vấn đề này, ông Cung cho rằng, cần quyết liệt cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ Tư vấn Chính phủ:

Cần khoảng 3 năm để kinh tế Việt Nam khôi phục như thời điểm năm 2019. Áp lực thay đổi hiện tại rất lớn, vì vậy, các nhà làm chính sách hơn bao giờ hết cần phải thay đổi tư duy, quản lý để thúc đẩy phát triển.

 

Theo Vũ Lê (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : môi trường kinh doanh, tư duy quản lý, thúc đẩy phát triển