Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 435,11 triệu USD. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 339,31 nghìn tấn, trị giá 435,11 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.282 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 |
Trong 6 tháng đầu năm 2020, 85,4% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc là cao su hỗn hợp của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280), đạt 289,84 nghìn tấn, trị giá 378,2 triệu USD, tăng 1,6% về lượng, nhưng giảm 2,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.305 USD/tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù xuất khẩu cao su sang Trung Quốc giảm trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng một số chủng loại cao su xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đáng chú ý như: Latex tăng 42,5% về lượng và tăng 31% về trị giá; SVR 20 tăng 297,7% về lượng và tăng 275,8% về trị giá.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 4,68 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ mức 11,4% trong 6 tháng đầu năm 2019, xuống còn 10,9% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su hỗn hợp (mã HS 400280) lớn thứ 2 cho Trung Quốc, đạt 451,26 triệu USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Việt Nam cũng là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc, đạt 53,05 triệu USD, giảm 59,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về giá cao su, số liệu thống kê của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 ngày đầu tháng 8/2020, giá cao su tại thị trường châu Á có xu hướng tăng so với tháng 7/2020. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 08/8/2020, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 166,5 Yên/kg (tương đương 1,57 USD/kg), tăng 4,5% so với ngày 31/7/2020. Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 10/8/2020 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 9/2020 giao dịch ở mức 11.160 NDT/tấn (tương đương 1,6 USDkg), tăng 3% so với ngày 31/7/2020.
Giá cao su trong 10 ngày đầu tháng 8/2020 tăng do được hỗ trợ bởi các thông tin kinh tế tích cực từ Hoa Kỳ, Trung Quốc và thị trường kỳ vọng chính phủ Nhật Bản tăng cường kích thích kinh tế. Mưa lớn tại nhiều bang trồng cao su của Ấn Độ khiến hoạt động khai thác mủ gián đoạn cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi khi chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 7/2020 đạt 51,1 điểm. Kinh tế Hoa Kỳ cũng có dấu hiệu hồi phục trong tháng 7/2020.
Tại thị trường trong nước, đầu tháng 8/2020, giá mủ cao su nguyên liệu có xu hướng tăng theo giá thị trường thế giới. Ngày 09/8/2020, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 260 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020; giá thu mua mủ tạp ở mức 228 đồng/TSC, tăng 6 đồng/TSC so với cuối tháng 7/2020.
Tuy nhiên, Cục Xuất Nhập khẩu dự báo, giá cao su trên thị trường trong ngắn hạn khó giữ xu hướng tăng mạnh do giá dầu thế giới ở mức thấp do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, giá cao su sẽ biến động trong biên độ hẹp.
Từ khóa : cao su, Trung Quốc