Ngành thực phẩm: Nhiều cơ hội tăng trưởng
Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành chế biến thực phẩm đã kiếm được lợi nhuận lớn trong thời gian qua với nhu cầu tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh khi mọi người không ra ngoài để hạn chế tiếp xúc. Các DN trong ngành cũng đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường để đáp ứng, ứng phó kịp thời trong bối cảnh bình thường mới.
DN ngành thực phẩm tăng trưởng
Tính đến nay, ngành chế biến lương thực, thực phẩm của TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng hơn 26% trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chiếm 17,67% trong toàn ngành công nghiệp của thành phố. Điều này cho thấy, ngành lương thực, thực phẩm giữ được tỷ trọng khá cao trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu, đồng thời là thế mạnh của thành phố với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các DN các địa phương khác, cũng như các DN nước ngoài. Nhiều DN sản xuất, kinh doanh ngành lương thực, thực phẩm đã tập trung đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
DN ngành thực phẩm tăng trưởng tốt nhưng cũng phải giải bài toán tăng trưởng còn nhiều ẩn số khó khăn |
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - bà Lý Kim Chi - cho biết, với tốc độ tăng trưởng khá cao, ngành chế biến lương thực, thực phẩm đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Hầu hết các DN có thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam tập trung chủ yếu ở thành phố và số DN kinh doanh ở lĩnh vực này tại thành phố tăng trưởng khá nhanh, trung bình tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua.
Đại dịch gây tổn hại rất lớn cho nền kinh tế, nhưng các DN chế biến thực phẩm thiết yếu đang có cơ hội tăng trưởng tốt khi người tiêu dùng hạn chế ra ngoài, dự trữ thực phẩm thiết yếu nhiều hơn khi thực hiện giãn cách xã hội...
Nắm bắt cơ hội cũng như nhu cầu của thị trường, nhiều DN đã nhanh chóng mở rộng sản xuất, tăng nguồn cung. Ngay sau khi dịch được khống chế lần thứ nhất, Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An đã nhanh chóng mở rộng dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Trong 7 tháng/2020, doanh thu của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2,615 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận tăng 23,3%, lên 370 tỷ đồng. Hay KIDO Foods là DN thành viên của của Tập đoàn KIDO về thực phẩm đông lạnh cũng đạt doanh thu 832 tỷ đồng trong 7 tháng/2020, công ty đã đạt 94% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm...
Thách thức cũng không nhỏ
Ngành chế biến thực phẩm cũng đang đối mặt với những thách thức, áp lực cạnh tranh cao với các DN nước ngoài khi còn hạn chế về công nghệ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành chuỗi giá trị cùng phát triển… Cùng với đó, số DN lớn của ngành chế biến lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng không nhiều, còn lại hầu hết là DN, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn chế cho nên việc đầu tư về công nghệ, máy móc để mở rộng quy mô còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Như nhiều ngành sản xuất khác, ngành chế biến thực phẩm cũng phải tập trung tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh, khai thác hết tiềm năng sẵn có.
Thống kê cho thấy, thực phẩm và đồ uống đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng ở thành phố, chiếm khoảng 35%. Tuy nhiên, bà Chi cho biết thêm, nền kinh tế kinh tế bị tác động tiêu cực nặng nề bởi đại dịch, dự báo sức mua của người tiêu dùng đang chịu tác động do Covid-19 trở lại. Tuy thời điểm này mức tác động là chưa nhiều nhưng trong những quý tiếp theo của năm 2020 tình hình có thể khó khăn hơn nhiều. Nguyên nhân chính đến từ nỗi lo mất việc làm ngày càng lớn hơn, chủ yếu diễn ra ở khối DN tư nhân, người có thu nhập thấp. Với tâm lý như vậy, đa số người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, dự báo sức mua chung trên thị trường khó có thể tăng như kỳ vọng. Đây cũng là thách thức cho bài toán đảm bảo doanh thu, tăng trưởng của DN nhất là trong những tháng cuối năm này.
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam đã và đang tham gia ký các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA điều này mở ra rất nhiều cơ hội về thị trường cho DN ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển, tăng cơ hội xuất khẩu. Do đó, để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân - DN sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.
Từ khóa : Ngành thực phẩm, cơ hội tăng trưởng