Đa dạng hóa phương thức kinh doanh
Một số mục tiêu lớn trong phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2021-2025 được Bộ Công Thương đưa ra là tiếp tục củng cố, phát triển chợ truyền thống tại thị trường nông thôn, phát triển đông đảo các cửa hàng tiện lợi và đa dạng các loại hình, phương thức kinh doanh hiện đại.
Nền tảng vững chắc
Theo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của Bộ Công Thương, thị trường trong nước đã và đang trở thành một động lực góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng cao, khoảng 9,2%, từ 3.546 nghìn tỷ năm 2016 lên 4.940 nghìn tỷ vào năm 2019 và tăng trưởng khá đồng đều giữa các vùng kinh tế (từ 10-12%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước tăng từ 38 triệu đồng vào năm 2016 lên 51,2 triệu đồng/người năm 2019.
Giai đoạn 2016-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 9,2%/năm |
Đóng góp của thị trường trong nước vào GDP tăng liên tục, từ 10,5% năm 2016 lên 11,16% năm 2019. Qua đó cho thấy, thị trường trong nước giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ tích cực cho công tác giải quyết việc làm khi thu hút khoảng 6 - 7 triệu lao động (chiếm hơn 12% tổng lao động toàn xã hội), góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
5 năm qua, công tác kết nối cung - cầu cũng được thực hiện tốt, góp phần bình ổn giá trên thị trường, thông qua việc gắn kết tạo nguồn hàng ổn định giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc cùng sự lớn mạnh của hàng hóa Việt. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, 90% đối với hệ thống phân phối do doanh nghiệp trong nước làm chủ(Co.opmart: 90 - 93%, Satra: 90-95%, VinMart: 96%...) và trên 70% tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài tại Việt Nam (Lotte, Big C: 90%, AEON, Citimart: 82 - 85%...).
Còn nhiều dư địa
Dù tổng mức bán lẻ hàng hóa hàng năm duy trì được đà tăng trưởng, song theo đánh giá của Bộ Công Thương, mức tăng nhìn chung còn chưa cao so với tiềm năng. Khu vực thị trường trong nước, theo các chuyên gia hiện còn nhiều dư địa.
Nhằm thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra nhiều mục tiêu và triển khai nhiều giải pháp để thương mại trong nước tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP. Tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9 - 9,5%/năm. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2025 đạt khoảng 35 - 40%. Kết cấu hạ tầng thương mại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm logistics, tổng kho bán buôn, trung tâm hội chợ - triển lãm dần hoàn thiện tại các thành phố lớn.
Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp được Bộ Công Thương đưa ra là: Phát huy hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường; tăng cường năng lực điều tiết thị trường đối với các mặt hàng trọng yếu; thông qua các công cụ, cơ chế phù hợp để điều tiết, ổn định thị trường. Đồng thời, bộ sẽ tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2025, 90% các cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 90% các kho hàng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cho thuê kho tại các tỉnh, thành phố không chứa hàng nhập lậu, hàng giả; 100% cơ sở kinh doanh tại các tỉnh, thành phố thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; 100% các làng nghề không sản xuất hàng giả.
Trong số 10 địa bàn có quy mô thị trường lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là khu vực dẫn đầu đạt 1.085 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, chiếm 22,1% thị trường cả nước và gấp 2 lần so với địa bàn kế tiếp là Hà Nội (đạt 512 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, chiếm 10,03% của cả nước). |
Từ khóa : Đa dạng hóa, phương thức kinh doanh