Thị trường nội địa vẫn là mảnh đất tiềm năng cho doanh nghiệp

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến doanh thu thị trường nội địa có dấu hiệu sụt giảm nhẹ, song đây vẫn là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp quay về thị trường nội địa

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng về thị trường nội địa, trước những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dệt May Nam Định cho biết, đối với ngành sợi, trước đây, Tổng công ty sản xuất 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu được 600 tấn, nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu lên tới 65%, thì giờ đây xuất khẩu sợi chỉ còn 45%. Dệt May Nam Định bù đắp sự thiếu hụt đó bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Về mặt hàng vải, hiện Tổng công ty đang sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng, đến quý 3 và 4 năm nay nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm khoảng 230-300 nghìn mét. Do đó, Tổng công ty quyết định mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất nhằm cung cấp cho các công ty may.

thi truong noi dia van la manh dat tiem nang cho doanh nghiep
Thị trường nội địa là mảnh đất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Giống như Công ty CP Dệt may Nam Định, nhiều doanh nghiệp đã chọn quay về thị trường nội địa để duy trì tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Công Thương, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2020 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, song đây vẫn là mảng thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,68% so với tháng trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%.

Tuy vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước tính đạt 422,9 nghìn tỷ đồng, vẫn tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 334,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%

Tính chung 8 tháng, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5558/BCT–TTTN ngày 30 tháng 7 năm 2020 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó đề nghị Sở Công Thương các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh; Đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; Rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và chủ động thực hiện các phương án dự trữ cung ứng hàng hóa để bình ổn thị trường theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh đã xây dựng trước đây và có phương án về khả năng hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết.

Đồng thời, ngày 30/7/2020, Bộ Công Thương có Công văn số 5557/BCT–TTTN gửi các doanh nghiệp phân phối lớn về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, trong đó đề nghị các doanh nghiệp: Có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; Báo cáo phương án cung ứng hàng hóa về Bộ Công Thương; Đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thường xuyên phối hợp cung cấp thông tin về tình hình thị trường và công tác bảo đảm bình ổn thị trường tại các địa phương cho một số cơ quan báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác tới người dân, tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến việc mua hàng đầu cơ, tích trữ, gây mất ổn định thị trường. Nhờ đó, cung cầu hàng hóa đã được đảm bảo.

Nhiệm vụ hàng đầu là ổn định thị trường

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thực phẩm thiết yếu… khuyến khích các hình thức bán online. Đồng thời xem xét các yếu tố biến động mới của thị trường để tiếp tục triển khai các giải pháp sẵn sàng đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, sốt giá.

Cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, thực tế cho thấy, thị trường nội địa được nhận định là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó nhiều hoạt động kết nối cung cầu đã được doanh nghiệp triển khai.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc triển khai hệ thống phân phối, liên kết chuỗi với các nhà cung ứng sẽ tạo được thị trường ổn định, người dân bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Thị trường nội địa, tiềm năng