Triển vọng kinh tế cuối năm: Cơ hội và thách thức đan xen
Bất chấp thách thức từ đại dịch Covid-19, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều điểm sáng và sẵn sàng để hồi phục. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong để tìm hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Xin ông cho biết, đánh giá sơ bộ về tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 đến kinh tế trong nước?
Thực tế cho thấy, các chỉ số kinh tế 7 tháng đầu năm đều suy giảm và những tháng còn lại của năm 2020 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ, thách thức khó lường, nhất là việc cuối tháng 7 xuất hiện ổ dịch Covid-19 tại Đà Nẵng và hiện đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều thuận lợi cơ bản, như: Giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong 6 tháng đầu năm 2020, nhất là trong quý II/2020; có uy tín và vị thế trên trường quốc tế và khu vực.
EVFTA có hiệu lực mang lại cơ hội cho xuất khẩu |
Cụ thể, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số quản lý thu mua (PMI) của ngành công nghiệp từ dưới 40 đã tăng lên trên 50 vào cuối tháng 6/2020. Đặc biệt, chỉ còn 31,5% số doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được khảo sát đánh giá quý III khó khăn hơn so với quý II/2020, so với mức 40,8% đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II gặp khó khăn hơn quý I/2020... Trong tháng 7, cả nước đã cải thiện tích cực về kích cầu và du lịch nội địa, hàng không… Dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và tăng tái đàn lợn nuôi những tháng cuối năm sẽ giúp giá thịt lợn dần hạ nhiệt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Vậy, để hài hòa "mục tiêu kép" vừa kiểm soát dịch bệnh vừa tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì?
Bên cạnh thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, các bộ, ngành địa phương cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Cùng với đó, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, gia tăng các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường, phát triển của khu vực tư nhân, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu và tận dụng tối đa các lợi ích, cơ hội từ hội nhập quốc tế và xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đa dạng hóa quan hệ hợp tác, bổ sung động lực tăng trưởng và giảm phụ thuộc quá nhiều vào một vài nền kinh tế lớn; gia tăng cơ hội mở rộng sản xuất ở những ngành, như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, nông sản và thủy sản; phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế; những lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh và hạ tầng logistics; thúc đẩy sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, chế tạo cơ khí... Thực hiện tốt các nội dụng trên, cộng với những thành công trong kiểm soát dịch Covid-19; Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8, cùng với một loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang chuẩn bị được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế thông qua việc mở rộng xuất khẩu, cải thiện chuỗi cung ứng.
Từ góc độ nghiên cứu, theo ông cần chú trọng nhóm giải pháp nào để phát triển chuỗi cung ứng kinh tế, hạn chế tình trạng đứt gãy trong những tháng còn lại của cuối năm 2020?
Để chuỗi cung ứng kinh tế không bị đứt gãy, cần hài hòa lợi ích trong nhập khẩu, phân phối hàng thiếu hụt, phát triển thị trường trong nước và các chuỗi cung ứng mới. Cùng với đó, chú trọng phát triển thương mại điện tử, phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp và xuất khẩu dịch vụ; đa dạng hóa kịch bản, đồng bộ và linh hoạt hóa giải pháp bảo đảm tăng trưởng, chủ động kiểm soát rủi ro vĩ mô và vi mô.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, việc kiểm soát và khống chế được dịch có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Theo đó, cần bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 vào đầu tháng 8 vừa qua: Khoanh vùng, dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan; kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, trong đó lưu ý quy mô, phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để tạo động lực tăng trưởng, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ vững cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế, để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội...
Xin cảm ơn ông!
Từ khóa : Triển vọng kinh tế, Cơ hội và thách thức