Khó chồng khó, giải pháp nào cho ngành mía đường?

“Cú đấm kép” từ dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ những biện pháp bảo hộ không phù hợp với thông lệ quốc tế từ một số quốc gia lân cận sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đã và đang khiến ngành mía đường gặp nhiều khó khăn

Khó chồng khó

Dù là một trong những “ông lớn” trong ngành mía đường, song Công ty CP Thành Thành Công-Biên Hòa (TTC) cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp ngành đường Việt Nam đang chống chọi với “cuộc khủng hoảng kép” từ nhiều phía. Cụ thể, dịch Covid-19 đã dẫn đến sự đình trệ đồng loạt trong hoạt động sản xuất và giao thương kinh tế, sụt giảm trầm trọng nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu sản xuất, trong đó gồm cả mặt hàng nhu yếu phẩm là đường. Đáng chú ý, sự cạnh tranh không cân sức giữa đường sản xuất nội địa với đường nhập khẩu từ Thái Lan theo cam kết ATIGA càng khiến ngành đường trong nước lao đao.

kho chong kho giai phap nao cho nganh mia duong

Không chỉ TTC Sugar, rất nhiều doanh nghiệp ngành đường khác đang lâm phải khó khăn do những tác động khó chồng khó từ thị trường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong những tháng nửa đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động đã khiến thị trường đường trong nước suy yếu, tiêu thụ giảm mạnh đối với tất cả các loại đường. Giá đường thương mại thế giới giảm sâu, giá đường sản xuất từ mía ở trong nước bán ra thị trường cũng đã tụt giảm.

Tại tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp cho ngành mía đường trong tình hình mới” do báo Nhân dân điện tử tổ chức ngày 16/9, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT TTC thông tin, từ trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc, khoảng 300.000 ha mía đường và 300.000 nông dân. Nhưng hiện nay, chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, trong đó 13 nhà máy còn hoạt động xoay vòng vốn, 17 nhà máy đang thua lỗ. Số lượng nông dân hiện nay cũng chỉ còn dưới 170.000 người. Vào những năm 2015-2016, cả Việt Nam có thể sản xuất 1,5 - 1,6 triệu tấn mía đường mỗi năm, nhưng hiện nay chỉ sản xuất được 700.000 tấn.

kho chong kho giai phap nao cho nganh mia duong
Ông Phan Văn Chinh (giữa) cho biết, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành mía đường

Trong khi đó, kể từ khi ATIGA có hiệu lực, lượng đường nhập khẩu đổ về Việt Nam rất lớn. Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, lên đến gần 820.000 tấn trong 7 tháng đầu năm 2020, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, ngành mía đường các quốc gia lân cận đang được tài trợ rất lớn. Đơn cử, Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD. Quỹ mía đường của Thái Lan giúp cả nông dân, doanh nghiệp đường và doanh nghiệp sản xuất điện từ bã mía đều được lợi. Ấn Độ cũng công bố mỗi năm tài trợ 145 USD/tấn đường xuất khẩu, khiến giá đường rất cạnh tranh.

“Sự bảo hộ của nhiều quốc gia khiến cạnh tranh trên thị trường không lành mạnh, vì vậy, đường Việt Nam không cạnh tranh được với các nước, mặc dù công nghệ đã có sự cải tiến tốt. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách để hạn chế hoặc loại bỏ sự không công bằng đó” – ông Phạm Hồng Dương kiến nghị.

Ngoài những khó khăn về cạnh tranh thiếu lành mạnh, ông Nguyễn Văn Lộc – Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu rõ, hiện diện tích vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp gần 50%, nhiều nhà máy đã không có mía để hoạt động. Bên cạnh đó, vốn cho hoạt động sản xuất cạn kiệt, hiện các nhà máy đường rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho công tác chuẩn bị sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu. “Cú đấm kép” từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu đường sụt giảm, cộng với khó khăn do cạnh tranh không lành mạnh đang khiến ngành mía đường lao đao.

Giải pháp nào cho ngành mía đường?

Trước những khó khăn của ngành mía đường, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Phan Văn Chinh cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 28, ngày 14/7/2020, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu mặt hàng đường.

kho chong kho giai phap nao cho nganh mia duong
Ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn

Theo đó, hiện Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nghiên cứu xem xét áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp ngành mía đường nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng làm từ ngô (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời, xem xét, thẩm định theo quy định pháp luật và đã ban hành quyết định tiến hành điều tra. Hiện tại, cơ quan điều tra đang yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin phục vụ cho quá trình điều tra.

Ngoài ra, ngành sản xuất trong nước cũng đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan. Bộ Công Thương đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ để ra quyết định về việc khởi xướng điều tra trong thời gian tới.

Khẳng định các biện pháp phòng vệ thương mại hiện đang rất cấp bách, ông Nguyễn Văn Lộc kỳ vọng: "Các biện pháp phòng vệ sẽ phát huy được tác dụng càng sớm càng tốt, trước khi vào vụ sản xuất mới để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp".

Ngoài ra, ngành đường Việt Nam đã phát triển được 9 dự án điện đồng phát bã mía. Trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 9507/BCT-ĐL báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho phép áp dụng mức giá 7,03 cent/kWh đối với điện sinh khối (tăng 1,23 USD/kWh từ mức 5,8 cents/kWh).

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược và Phát triển Nông nghiệp nông thôn chia sẻ thêm, để gỡ khó cho ngành mía đường trong dài hạn, thứ nhất, cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất phát triển HTX/THT nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường để ổn định vùng nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy.

Thứ hai, nên mạnh dạn rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể hỗ trợ người dân chuyển đổi. Với các nhà máy hoạt động tốt, có vùng nguyên liệu ổn định, Nhà nước hỗ trợ tín dụng cho đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu.

Thứ ba, áp dụng công nghệ để đẩy mạnh sản xuất và khả năng cạnh tranh. Hiện có nhiều danh nghiệp áp dụng tương đối tốt. Còn nhìn chung với các hộ sản xuất vừa và nhỏ thì vẫn còn hạn chế.

Thứ tư, có chính sách ưu đãi thuế cho việc nhập khẩu máy móc nông nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Dương cho hay, chúng tôi nhìn cây mía không đơn thuần sản xuất đường, mà chọn chuỗi giá trị của cây mía, bao gồm các giải pháp từ việc bắt đầu trồng mía, làm ra đường, phân phối, sử dụng cung cấp sản phẩm sau đường. Cũng như nghiên cứu sâu hơn về chuỗi giá trị mía đường. Đồng thời, chuyển mình trở thành nhà thương mại, xuất nhập khẩu quốc tế, vào tháng 4-2020, chúng tôi đã thành công xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc. Ngoài việc trông chờ sự hỗ trợ về chính sách, vốn của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành mía đường trong giai đoạn hiện nay.

Theo Phương Lan (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : giải pháp, ngành mía đường