Chính phủ điện tử tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế
Việc xây dựng Chính phủ điện tử đã và đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam.
Tại Hội thảo - triển lãm quốc gia về Chính phủ điện tử (eGov) do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - cho biết: Trong giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn công nghệ thông tin, các chuyên gia trong - ngoài nước tập trung xây dựng và triển khai nhiều hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử của nước nhà.
Các diễn giả trao đổi kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử |
Dẫn chứng cụ thể, ông Hải nêu một số thành quả như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Cổng dịch vụ công Quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Nhìn chung, các hệ thống thông tin này đã tạo bước chuyển lớn trong giải quyết các mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, tại Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ số đã được nêu tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Để cụ thể hóa chủ trương này, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.
Thực hiện mục tiêu quốc gia về Chính phủ điện tử, mỗi Bộ, ngành, địa phương đều ứng dụng các giải pháp công nghệ để thúc đẩy nhanh Chính phủ điện tử. Điển hình như Bộ Công Thương, các nhiệm vụ liên quan đến việc xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử, xây dựng dịch vụ công trực tuyến đã được Bộ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và vượt kế hoạch đề ra. Đến nay, 292/292 thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được thực hiện trực tuyến từ mức độ 2 trở lên, trong đó, 122 dịch vụ đạt cấp độ 3 và 44 dịch vụ đạt cấp độ 4.
Để có kết quả này, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - chia sẻ: Muốn thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến phải kết hợp với cải cách hành chính. Đặc biệt là phải tạo trải nghiệm và dịch vụ công phải có công nghệ số đơn giản để cho doanh nghiệp người dân khi sử dụng phải thấy mượt mà.
Điển hình trong lĩnh vực cấp chứng nhận xuất xứ, Bộ Công Thương đưa ra quy định: Nếu doanh nghiệp đến làm trực tiếp thì chỉ có thời gian làm việc là 8 tiếng/ngày còn thực hiện trực tuyến thì có thể làm 24/7. Nhờ vậy, lượng hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ được thực hiện của Bộ Công Thương tăng rõ rệt. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong mọi thời điểm mà còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ ngành đã và đang tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam. Hiện tại, theo xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, hạng 24/47 của châu Á và hạng 6/11 Đông Nam Á.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt tới mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong Top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Việt Nam còn có rất nhiều việc cần thực hiện như: Cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam.
Từ khóa : Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế