Tấp nập đơn hàng xuất khẩu gạo với giá cao
Cùng với việc “hưởng lợi” về thuế suất theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết vẫn đang tiếp tục thực hiện những hợp đồng mới với giá xuất khẩu cao hơn nhiều so với đầu năm nay.
Tấp nập đơn hàng xuất khẩu đi EU
Sáng ngày 22/9/2020, tại tỉnh An Giang sẽ diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm của Tập đoàn Lộc Trời sang châu Âu theo hiệp định EVFTA. Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18kg, sẽ lên đường sang thị trường châu Âu vào cuối tháng 9/2020.
Xuất khẩu gạo có nhiều triển vọng trong các tháng cuối năm |
Với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, theo ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời - doanh nghiệp này đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất vào EU trong thời gian tới khi tập trung nhiều nguồn lực vào việc đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của EU, tăng diện tích vùng trồng dẫn đến tăng sản lượng xuất khẩu, đa dạng hóa các loại giống, xây dựng thương hiệu của một số loại giống của Việt Nam tại thị trường EU.
Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên vào EU theo cam kết của EVFTA. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Trung An - cho biết, đây là đợt xuất khẩu đầu tiên trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU của công ty. Lô hàng xuất khẩu gạo thơm lần này là ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó có 2 khách hàng ở nước Đức và 1 khách hàng ở nước Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn, cao hơn thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực, lần lượt là 200 USD và 80 USD/tấn.
Cũng trong tháng 8/2020, Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An đã xuất khẩu hơn 100 tấn gạo thơm với giá 800 USD/tấn sang Đức và trong tháng 9 này sẽ xuất thêm 4 container.
Những đơn hàng nối tiếp nhau cho thấy doanh nghiệp gạo đang tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng trong tháng 8/2020 xuất khẩu gạo qua EU đạt hơn 1,2 triệu USD, tăng tới 93,5% so với tháng 7 và tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, thời điểm hiện tại họ vẫn đang tiếp tục đàm phán đơn hàng mới với các đối tác ở EU. “Dự kiến trong tháng 10/2020 Trung An sẽ thương thảo để ký kết hợp đồng thêm với đối tác ở Pháp cùng một số nước khác tại EU. Giá xuất khẩu vẫn tương đương như mức cũ”, ông Bình tiết lộ.
Theo Bộ Công Thương, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.
Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này các doanh nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác.
Vùng trồng đạt chuẩn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng sẽ giúp gạo Việt chinh phục các thị trường khó tính với giá cao |
Triển vọng sáng trong các tháng cuối năm
Cùng với thị trường EU, hiện xuất khẩu gạo Việt đi các thị trường khác được doanh nghiệp cho biết có nhiều khả quan. Đơn cử là thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An) - cho biết: Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay chúng tôi đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn gạo đi Trung Quốc. Hiện tại các đơn hàng vẫn đều đặn thực hiện với giá bình quân 500 USD/tấn.
Liên quan đến thông tin về một số doanh nghiệp phản ánh bị đối tác Trung Quốc ép giá chỉ còn 485 USD/tấn gạo nếp, ông Hòa cho rằng, kinh doanh là cơ chế thị trường, nếu doanh nghiệp sản xuất gạo đạt chuẩn theo yêu cầu thị trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí xuất xứ nguồn gốc thì không lo bị ép giá.
Tương tự, ở các thị trường khác nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 11/2020. Ông Phan Văn Có - Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE - chia sẻ, doanh nghiệp này vẫn liên tục xuất khẩu các đơn hàng đi Singapore, New Zealand, Australia… với giá cao. Cụ thể, gạo Nhật hiện được bán cho đối tác có giá 550 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 600 USD/tấn. Mức giá này cao hơn hồi đầu năm nay bình quân khoảng 50 USD/tấn. Theo ông Có, mặc dù đơn hàng khả quan nhưng việc vận chuyển của doanh nghiệp đang chậm lại do tác động của dịch bệnh, khiến tàu vận chuyển khó khăn hơn. Tuy nhiên nhìn chung thị trường vẫn khả quan bởi công ty đã chốt các đơn hàng đến cuối tháng 11/2020 với giá cao.
Về triển vọng xuất khẩu trong các tháng tới, các doanh nghiệp cho biết, dù ảnh hưởng dịch bệnh song nhu cầu lương thực không bị tác động. Chưa kể, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,2 triệu tấn, giảm khoảng 0,3% so với năm 2019. Trong khi đó tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,3% so với năm 2019. Đây là cơ hội cho ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta nắm bắt đúng nhu cầu của thị trường.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đã đạt 2,2 tỷ USD với gần 4,5 triệu tấn, tăng 10,4% về trị giá và giảm 1,7% về lượng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, có thời điểm trong tháng 8, loại gạo 5% tấm đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. |
Từ khóa : đơn hàng xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo