Covid-19 đã ngăn cản bước tiến thần tốc của các chuỗi trà sữa The Alley, Koi Thé, Gong Cha, Phúc Long… ra sao?

Nếu 2019 là năm tưng bừng của các chuỗi trà sữa cao cấp bao nhiêu; thì năm nay buồn bấy nhiêu. Kể từ đầu năm đến giờ, Koi The đóng cửa 2 chi nhánh ở các quận trung tâm, The Alley đóng 5 cửa hàng với 3 cái tại Quận 1 – trong đó có cửa hàng được xem là flagship và Gong Cha chỉ mở đúng 3 cái.

Theo một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) năm 2019, thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới và dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Tức là tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm như 2 năm trước, khi tốc độ tăng trưởng của nó lên đến 200%.

Còn theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ những năm 2017-2018. Thị trường trà sữa cũng cho thấy khoảng 20 thương hiệu từ lớn đến nhỏ đang giành nhau miếng bánh thị phần vốn đang thu hẹp.

Tuy nhiên, do Covid-19 và nhiều nguyên nhân khách quan khác, đã đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành trà sữa – nhất là phân khúc cao cấp xuống thấp đáng kể ngay lập tức, chứ không phải từ từ như dự đoán. Đây chắc chắn là ảnh hưởng nhất thời của thời cuộc! Nhưng sau Covid-19, không ai đoán được là mảng trà sữa cao cấp sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim như năm ngoái hay không?!

Năm 2020 ảm đạm của mảng trà sữa cao cấp

Có thể nói, năm ngoái – 2019 là một năm không thể quên với những người làm trong mảng trà sữa cao cấp cũng như các fan hâm mộ của nó. Không hẹn mà cùng gặp, khi 4 thương hiệu trà sữa cao cấp là The Alley, Koi The, Gong Cha, Phúc Long đều cấp tập mở rộng thị phần khắp cả nước.

Với việc Koi Thé - Phúc Long quyết định tấn công thị trường Hà Nội và miền Bắc còn The Alley - Gong Cha đã cho phép nhượng quyền từ lâu; nên cả The Alley, Koi Thé và Gong Cha đều mở thêm trên dưới khoảng 10 cửa hàng, trong khi Phúc Long mở gấp đôi con số đó. 

Tuy nhiên, năm 2019, mọi chuyện đang đi với chiều hướng ngược lại. Trong tất cả, đáng lo ngại nhất là The Alley. Tại Việt Nam, mặc dù món ‘đại diện’ làm nên danh tiếng của The Alley là sữa tươi trân châu đường đen, nhưng không thể phủ nhận, các loại trà sữa cũng đóng vai trò quan trọng trong doanh thu của thương hiệu này.

Cửa hàng The Alley ở phố đi bộ Nguyễn Huệ đã đóng cửa vào tháng 6/2020.

Không như nhiều thương hiệu khác, chỉ sau 1 năm chính thức vào Việt Nam - năm 2018 là The Alley đã cho phép nhượng quyền. Đó là nguyên do chỉ cuối năm 2019, The Alley đã có 51 cửa hàng trên toàn quốc. Trong năm 2019, họ mở khoảng 10 cửa hàng.

Kể từ đầu năm 2020 đến nay, The Alley mở thêm 4 chi nhánh tại Quảng Ngãi, Vinh – Nghệ An, Hà Nội và Tân Phú – TP. HCM; nhưng, họ lại đóng tới 5 cửa hàng tại khu vực trung tâm Quận 1, Quận 4, Quận 10 (đường Nguyễn Tri Phương). Trong thông báo, The Alley đều nói sẽ di dời các cửa hàng đến địa điểm mới, nhưng tới thời điểm này chỉ mỗi cửa hàng tại Trần Cao Vân đã được di chuyển đến đường Lê Đại Hành – Quận 11, còn tất cả dường như sẽ đóng cửa vĩnh viễn.

Đáng chú ý nhất là họ đóng liên tục 3 cửa hàng tại Quận 1 ở đường Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ và 1 cửa hàng đường Hoàng Diệu - Quận 4. Tại Quận 1, có vẻ họ chỉ còn duy nhất cơ sở ở đường Hồ Tùng Mậu - cửa hàng đầu tiên của The Alley tại Việt Nam.

The Alley ở đường Nguyễn Huệ được xem là cửa hàng Flagship của thương hiệu này, vì khi khai trương vào năm 2017, họ đã mời ngôi sao diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc - So Ji Sub đến. Hơn nữa, nó nằm ngay đường Nguyễn Huệ - thuộc phố đi bộ duy nhất của TP. HCM, nên ngoài chức năng cửa hàng thì cơ sở ở đây còn có nhiệm vụ giúp thương hiệu này gia tăng độ nhận diện với giới trẻ. Chẳng ai ngờ, The Alley sẽ là người bật bãi đầu tiên rời khỏi ‘thủ phủ’ trà sữa ở khu phố đi bộ này.

Thông báo của Koi The đóng cửa cơ sở ở Palaza Cao Thắng.

Cũng như The Alley, năm ngoái Koi Thé cũng mở khoảng 10 cửa hàng, song năm nay họ vẫn chưa mở cửa hàng nào, không những thế họ còn đóng cửa 2 cái ở các quận trung tâm là Phạm Hồng Thái – Quận 1 và Palaza Cao Thắng – Quận 3. Đặc biệt, thương hiệu này còn điều chỉnh giảm giá trên toàn menu cách đây khoảng vài tháng. Đây được xem một điều khá hy hữu, vì rất ít khi các cửa hàng tại Việt Nam điều chỉnh giá xuống, thường người ta hay lên giá.

Do không nhượng quyền, nên Koi Thé đi khá chậm. Dù vào Việt Nam từ năm 2015, nhưng sau 5 năm thương hiệu trà sữa này mới chỉ có khoảng 29 cửa hàng tại Việt Nam, chủ yếu tập trung tại TP. HCM với trên 20 cửa hàng. Như đã nói ở trên, năm ngoái họ mới quyết định tiến quân ra Bắc.

Phần Gong Cha, trong bài phỏng vấn gần giữa năm 2019, ông Nguyễn Hoài Phương – Giám đốc công ty Golden Trust, đơn vị nhận quyền từ Gong Cha – Đài Loan, thì họ có 3 đối tác nhận quyền lớn, chiếm khoảng 50% số lượng cửa hàng Gong Cha. Năm 2019, Gong Cha mở khoảng 10 cửa hàng, để nâng độ phủ lên 16 tỉnh thành. Nhưng kể từ đầu năm 2020 đến nay, Gong Cha mới chỉ mở thêm 3 cửa hàng tại Ba Son - Quận 1 – TP. HCM, Sóc Trăng và Huế.

Sau 6 năm chinh chiến ở thị trường Việt, hiện Gong Cha có khoảng 50 cửa hàng và gần ½ trong đó nằm tại TP. HCM.

Trong năm 2019, Phúc Long chính là thương hiệu trà sữa cao cấp chăm chỉ nhất. Họ mở mới thêm 21 cửa hàng khắp Việt Nam, trong đó có 7 tại Hà Nội; song cũng đóng bớt 2 cửa hàng tại Quận 1. Trong năm 2020, Phúc Long không thể giữ được nhịp độ khai trương ‘điên rồ’ đó, họ chỉ có thêm 6 cửa hàng – 3 tại Hà Nội và 3 ở TP. HCM. Dù không nhượng quyền, song hiện Phúc Long cũng có khoảng gần 70 cửa hàng trên toàn quốc.

Covid-19 là nguyên nhân chính

Quả thật, Covid-19 đã giáng một đòn chí tử lên đà thăng tiến của mảng trà sữa cao cấp. Ngoài giãn cách xã hội khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể, còn là việc người tiêu dùng quyết định bóp chi tiêu bởi nền kinh tế đang gặp khó khăn. Không phải chỉ những người thất nghiệp hoặc bị giảm thu nhập mới chi tiêu tiết kiệm lại mà tất cả đều thế. Covid-19 khiến tất cả mọi người cảm thấy tương lai thật vô định và khó đoán, mình cần phải tích cóp tiền để đề phòng trường hợp xấu nhất.

Tất nhiên, trong các khoảng chi tiêu, kinh phí dành cho ăn vặt sẽ được chị em phụ nữ cắt giảm đầu tiên. Theo đó, họ sẽ không uống trà sữa cao cấp vì vừa tốn nhiều tiền vừa dễ ‘béo’. H oặc nếu cắt giảm một phần, họ sẽ uống trà sữa ít tiền hơn hay những thức uống hot-trend khác là rau má mix/sữa chua trân châu Hạ Long.

Doanh thu giảm, song tiền thuê mặt bằng không giảm là nguyên nhân chính khiến Koi Thé cùng The Alley phải đóng bớt cửa hàng ở các quận trung tâm.

Do dịch bệnh, không chỉ các nhãn hàng trà sữa cao cấp mà rất nhiều chuỗi khác cũng bật bãi khỏi các quận trung tâm. Ảnh: TravelMag

Theo JJL, tỷ lệ trống trung bình ở TP. HCM tăng lên mức 30% trong QII/2020. Tuy nhiên giá thuê mà JLL ghi nhận trong Quý II/2020 vẫn không thay đổi so với quý trước và giảm 1.5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,4 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và 38,5 USD/m2/tháng ở khu vực ngoài trung tâm. Và cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù nhu cầu đang xuống thấp ở các quận trung tâm, song hầu hết chủ nhà vẫn giữ nguyên giá thuê.

Bên cạnh đó, sự nở rộ của các trend F&B khác như rau má mix hay sữa chua trân châu đường đen cũng ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của các thương hiệu ở mảng trà sữa cao cấp. Dạo một vòng các văn phòng ở khu trung tâm, chúng ta sẽ thấy không hiếm người chuyển ăn vặt từ trà sữa sang món sữa chua trân châu, vì muốn theo xu hướng, lạ miệng lại rẻ tiền hơn Gong Cha hay The Alley. Đầu tháng 9/2020, vợ chồng Diệp Lâm Anh – chủ của The Alley Việt Nam đã ra mắt thương hiệu mới là Sữa Chua Trân Châu B-Boy với 4 cửa hàng tại Hà Nội.

Chưa hết, các chuỗi cà phê lớn như The Coffee House hay E-Coffee của Trung Nguyên mang món trà sữa vào menu, cũng ít nhiều khiến mảng trà sữa cao cấp bị ảnh hưởng.

Trong thời Covid-19, các hãng trà sữa cao cấp đang có xu hướng dạt khỏi các khu trung tâm về các quận xa để tiếp cận gần hơn với các khu dân cư, hoặc họ sẽ mở ở các thành phố nhỏ và tỉnh lẻ như The Alley đến Quảng Ngãi còn Gong Cha về tận Sóc Trăng.

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Covid-19, chuỗi trà sữa, The Alley, Koi Thé, Gong Cha, Phúc Long