Đưa ngành da giày tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

Những năm qua, ngành da giày luôn thể hiện được năng lực mở rộng sản xuất, liên tục trong nhiều năm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp da giày với nhau, giữa các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đã góp phần đưa ngành này tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp hội Da giày - Túi Xách Việt Nam được thành lập ngày 9/6/1990 với 52 hội viên, đến năm 2018 đã phát triển lên 230 hội viên. Các hội viên chính thức và liên kết của Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam đang sử dụng gần 800.000 lao động (trong tổng số trên 2000 doanh nghiệp, sử dụng trên 1,5 triệu lao động toàn ngành) trong sản xuất sản phẩm giày dép, túi xách và sản xuất nguyên phụ liệu da giày, đóng góp tích cực vào thành tích sản xuất và xuất khẩu của toàn ngành da giày Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước 15-20%/ năm.

4123-7
Da giày hiện đang là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam từng bước mở rộng hoạt động theo hướng tăng cường vai trò đại diện các doanh nghiệp ngành da giày có các kiến nghị kịp thời với Chính phủ; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội viên mở rộng thị trường xất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các hiệp hội da giày và tổ chức thương mại quốc tế; tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành và nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất.

Đến nay, ngành đã khẳng định vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất tới các vùng sâu vùng xa của nhiều vùng kinh tế trọng điểm, tạo sự ổn định về an ninh, chính trị, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của chính phủ. Ngành cũng tham gia giảm nhập siêu, tạo thặng dư thương mại thông qua định hướng phát triền thị trường nội địa, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng các nguyên phụ liệu trong nước để sản xuất hàng xuất khẩu.

Xuất khẩu giầy dép đã tăng từ 6,46 tỷ USD năm 2011 lên 22 tỷ USD năm 2019 (trong đó giày dép đạt 18,32 tỷ USD, túi xách đạt 3,7 tỷ USD). Những tháng đầu năm 2020, do gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại vẫn đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Quan trọng hơn con số, ngành da giày, túi xách Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trong lĩnh vực thời trang thế giới. Chất lượng và công nghệ ngày càng cao tạo được niềm tin và thu hút đơn hàng từ nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Nike, Converse, Adidas, Puma, Coach… Hiện nay, Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu da giày, chỉ sau Trung Quốc.

Để tận dụng tốt các ưu đãi hội nhập, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đã liên tục tổ chức các hoạt động giới thiệu các ưu đãi từ các hiệp định FTA, như FTA với Hàn Quốc ký đầu tháng 5/2015, với Khu vực kinh tế Á-Âu ký cuối tháng 5/2015, Hiệp định CPTPP với 11 có hiệu lực từ tháng 1/2019, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 để thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu da giày của Việt Nam, tạo động lực thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực da giầy, túi xách để đón đầu những lợi thế của các FTA này, từ đó, tạo điều kiện cho ngành phát triển mạnh hơn trong những năm tới.

Cùng với xuất khẩu, nắm bắt nhu cầu tăng lên của thị trường trong nước do kinh tế phát triển, mức sống của người dân được cải thiện, nhu cầu thiết yếu về giày dép tăng lên. Với số dân trên 96 triệu dân, nhu cầu hàng năm của người tiêu dùng nội địa vào khoảng 180 triệu đôi các loại, thị trường trong nước trở thành thị trường tiềm năng đối với sản phẩm da giầy, túi xách.

Thời gian qua, Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm hợp thời trang và đầu tranh chống cạnh tranh mạnh không lành mạnh của hàng nhập khẩu, nhất là giầy dép rẻ tiền nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiệp hội khuyến khích các doanh nghiệp da giầy nhỏ và vừa trong nước quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, nhờ đó sản lượng giầy dép do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phục vụ tiêu dùng nội địa đã tăng lên, đáp ứng trên 50% nhu cầu thị trường trong nước.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngành da giày đang nỗ lực tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ hiệp định bằng cách đầu tư công nghệ, nhân lực, nâng cao nội lực. Đây cũng là các giải pháp góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong tương lai.

Theo Bảo Ngọc (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : ngành da giày, chuỗi giá trị toàn cầu