Tận dụng FTA: Giúp doanh nghiệp giành thế chủ động

Để tận dụng hiệu quả nhất cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các bộ, ngành, địa phương… đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp DN giành thế chủ động trong "sân chơi" mới.

Nâng cao nội lực

Để thực thi hiệu quả hàng loạt các FTA được ký kết, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – cho biết: Địa phương đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công, nông nghiệp trên địa bàn trong quá trình hội nhập. Mục tiêu hướng đến của Đề án là để các DN XK kịp thời tận dụng cơ hội từ các FTA. Ngoài ra, tỉnh đã và sẽ chủ động chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ DN cập nhật thông tin thị trường, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức, nhằm hỗ trợ DN gia tăng XK; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ để tăng giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp.

4102-anh-duoi
Doanh nghiệp chủ động tìm nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu trong nước

Với TP. Hồ Chí Minh, hiện địa phương đã có gần 20.000 DN tham gia hoạt động XK, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa, nên còn hạn chế về năng lực cạnh tranh. Để tận dụng cơ hội từ các FTA, thành phố sẽ hỗ trợ DN thông qua chính sách đổi mới máy móc, thiết bị; liên kết với các tỉnh, thành tạo thành chuỗi sản xuất - chuỗi giá trị. Đặc biệt, tới đây TP. Hồ Chí Minh sẽ thông qua Đề án Phát triển XK đến năm 2025, định hướng năm 2030 để cơ cấu lại ngành hàng XK theo hướng chuyển sang XK sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh tại thị trường khó tính.

Sẵn sàng đón cơ hội mới

Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - cho hay: Để tận dụng tốt nhất các FTA, DN cần chủ động nghiên cứu, chú ý nhiều đến các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan. DN cần nghiên cứu ngành hàng của mình để có sự chuẩn bị nguyên liệu, nhà xưởng, quy trình sản xuất, các yếu tố liên quan đến môi trường, lao động... nhằm đáp ứng các yêu cầu của từng FTA.

Theo ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai: Những năm gần đây, các DN Đồng Nai có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất vào các thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA. Điều này đã giúp Đồng Nai từ tỉnh nhập siêu chuyển sang xuất siêu và mỗi năm xuất siêu đều tăng. 8 tháng năm 2020, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến kim ngạch XK của tỉnh giảm gần 7%, nhưng xuất siêu tăng gần 400 triệu USD.

Cùng với các địa phương, hiệp hội DN, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực tìm kiếm nguồn nhập khẩu nguyên, phụ liệu mới. Đồng thời, tìm kiếm các DN sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước đáp ứng đủ yêu cầu, nhằm thay thế nguồn nhập khẩu.

Để hỗ trợ nền sản xuất công nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN khi thực thi các FTA, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, cùng với việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, các địa phương, cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để DN có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mặt khác, cần tiếp tục kích cầu đầu tư trong khối DN sản xuất cho XK để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường.

Thanh Thanh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : FTA