Sức bật bất động sản từ các đại đô thị
(CL&CS) - Trong những năm gần đây, nhiều khu đại đô thị với nhiều phân khúc nhà ở như: Chung cư, nhà phố, biệt thự bên cạnh các tiện ích bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, mua sắm… đã làm thay đổi bộ mặt đô thị, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đó là phát biểu của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư tại Hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” tổ chức sáng 24/9 tại TP.HCM. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, tại Việt Nam mô hình đô thị mới đã bắt đầu xuất hiện cách nay 20 năm với sự hình thành các khu đô thị quy mô lớn, kiểu mẫu như khu đô thị Phú Mỹ Hưng hơn 400ha tại TP.HCM hay Ciputra hơn 300ha tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, hiện vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển các dự án đại đô thị. Trong đó, có bất cập về luật pháp, chính sách quy hoạch cũng như kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhất là kết nối giao thông cho phát triển đại đô thị chưa tương xứng.
Bàn về giải pháp quản lý và phát triển đại đô thị tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan, nhất là sửa đổi Luật Đất đai, hướng dẫn Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư và Luật chứng khoán sửa đổi. Nghiên cứu cơ chế, hình thức đánh thuế tài sản là bất động sản thứ hai…
Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, có một số vấn đề cụ thể như chiến lược xây dựng các khu đô thị mới song hành với kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Song song đó cần có chính sách ưu đãi kêu gọi các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển đô thị mới nhanh chóng và hiệu quả trong tương lai.
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, xu thế phát triển các khu đô thị mới tại các thành phố lớn là tất yếu. Các khu đô thị mới hình thành tạo động lực phát triển quan trọng trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Để thúc đẩy việc hình thành các khu đô thị một các thuận lợi và hiệu quả vẫn cần sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước. Cần chiến lược phát triển tổng thế về kinh tế xã hội tại các thành phố lớn theo định hướng các trục phát triển chính của thành phố theo hướng hình thành các khu đô thị vệ tinh phù hợp với tiềm năng phát triển của khu vực.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Phú Đông Group Ngô Quang Phúc cho biết, trong 5 năm gần đây sự phát triển của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành cực đối trọng của TP.HCM chứ không phải là vệ tinh phụ thuộc hạt nhân TP.HCM nữa. Ngoài yếu tố đất đai, con người, các địa phương này còn có yếu tố hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Đồng Nai có sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành, cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch… đủ sức hút người dân và nhà đầu tư về đây. Nhu cầu phát triển các đô thị vệ tinh là cần thiết và chắc chắn sớm trỏ thành xu hướng nở rộ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá, sự thành công của đại đô thị Phú Mỹ Hưng và câu chuyện phát triển vùng TP.HCM mở rộng ra các tỉnh lân cận đã tạo các đợt sóng dự án lớn, dự kiến cao trào từ năm 2021 trở đi. Lãnh đạo TP.HCM đã có một tầm nhìn về phát triển đô thị trung tâm và các khu đô thị vệ tinh.
“Việc phát triển các khu đô thị lớn được quy hoạch bài bản, đồng bộ do những nhà đầu tư có năng lực tài chính, quản lý sẽ làm cho bộ mặt đô thị của TP.HCM nói riêng và các tỉnh lân cận sẽ thay đổi”, ông Lê Hoàng Châu nói.
Nguyễn Như
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : bất động sản, đại đô thị