Doanh nghiệp Việt thiếu thông tin về EVFTA
(CL&CS) - Sau gần 2 tháng EVFTA có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu thông tin, nắm bắt đầy đủ và chính xác các cam kết của Hiệp định.
Thuận lợi đã rõ
Theo Bộ Công Thương, ngay trong tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), các tổ chức đã được ủy quyền cấp hơn 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi các nước EU. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trưởng EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Còn theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU của Việt Nam. Nhờ EVFTA, trong tháng 8/2020, các đơn hàng thủy sản sang EU tăng 10% về kim ngạch xuất khẩu so với tháng trước đó (7/2020). Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9.
Trong một hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, thực tế thực thi EVFTA trong 2 tháng vừa qua cho thấy các cơ hội EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích đầu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là dấu hiệu cực kỳ tích cực, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn rất khó khăn do dịch COVID-19 và hiệp định vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp.
Niều doanh nghiệp vẫn chưa nhận diện được các cơ hội cụ thể từ EVFTA cho doanh nghiệp mình.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới, và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua. Vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho Việt Nam và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt thời gian qua
Doanh nghiệp rất cần các thông tin chính xác về EVFTA
Theo các chuyên gia thì nhờ EVFTA thì một số doanh nghiệp Việt bắt đầu gặt hái được lợi ích từ hiệp định này, đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa nhận diện được các cơ hội cụ thể từ EVFTA cho doanh nghiệp mình, phần vì nội dung quá đồ sộ và phức tạp, phần vì chưa biết hoặc chưa triển khai những hành động cụ thể, thích hợp để tận dụng.
Theo Chủ tịch VCCI, thì nội dung EVFTA có hàng ngàn trang hiệp định, với ngôn ngữ hàn lâm, diễn giải đôi khi lắt léo…, tìm thấy được cơ hội, đánh giá được khó khăn đến với mình ở trong hàng ngàn trang tài liệu đó là một thách thức đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào. Vì thế, để có thể hiện hóa những cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, các doanh nghiêp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết cụ thể liên quan tới hoạt động kinh doanh, để chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.
Quan điểm của bà Nguyễn Thị Thu Trang thì nhiều doanh nghiệp chia sẻ, mặc dù rất quan tâm đến việc khai thác cơ hội của EVFTA nhưng họ vẫn chưa hiểu hết nội dung và các cam kết liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình.
“Do đó, các cơ quan chức năng, hiệp hội cần tăng cường hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin về những nội dung cam kết cụ thể theo từng ngành nghề, lĩnh vực” - bà Trang đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt (Hà Nội) cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vào EU, Công ty Tiến Đạt rất quan tâm đến khai thác EVFTA. Muốn vào được thị trường EU hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, doanh nghiệp đồ gỗ phải tiếp cận được các nội dung cam kết liên quan đến mình, phải hiểu thị trường EU cần gì để đáp ứng…
“Hoạt động hỗ trợ về cung cấp thông tin, phổ biến các cam kết, hướng dẫn cách thức tiếp cận thị trường EU... thông qua những hội thảo, hội nghị, tập huấn, tuyên truyền về EVFTA từ phía các cơ quan chức năng là rất hữu ích cho doanh nghiệp, cần mở rộng phạm vi và tính chất chuyên sâu về các hoạt động này” - Giám đốc công ty Tiến Đạt nhận định.
Theo đề xuất của ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), các bộ ngành sẽ quan tâm hơn tới việc xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến chứng nhận xuất xứ, gỡ bỏ các rào cản thủ tục liên quan để tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Vân Thư
Theo www.chatluongvacuocsong.vn
Từ khóa : Doanh nghiệp Việt, thiếu thông tin, EVFTA