Nhìn lại 6 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước (2014 – 2020) – Hàng Việt lên ngôi

Nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 264-TB/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc tăng cường cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020”.

Căn cứ những chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo các nội dung của Đề án nhằm đạt được mục tiêu tổng quát “trong giai đoạn 2014 đến 2020, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cũng như từng mục tiêu cụ thể của Đề án.

Qua 6 năm triển khai, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành hàng/ngành nghề và các địa phương triển khai gần 400 dự án, nhiệm vụ với kinh phí 75 tỷ đồng. Trong đó có gần 3.000 tin, bài, chương trình truyền hình thực hiện chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên các báo in, báo hình, báo điện tử, hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 61 địa phương trên cả nước; gần 70 hội nghị kết nối cung cầu; 100 lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường... Bên cạnh đó, còn hàng trăm điểm bán hàng Việt Nam và hàng nghìn hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Nhìn lại 6 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước (2014 – 2020) – Hàng Việt lên ngôi

Việc thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp của Đề án: Nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; Nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam; Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng đã giúp cho “Hàng Việt lên ngôi”. Đến nay, người tiêu dùng (NTD) đã nhận thức được việc tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt “vừa ích nước, vừa lợi nhà” và nhiều người đã chuyển sang dùng hàng do các doanh nghiệp (DN) “nội” sản xuất, thay vì “sính” hàng ngoại như các năm trước. Cũng vì thế, nhiều DN đã xác định được vị trí, tầm quan trọng của thị trường nội địa, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm để từng bước chinh phục NTD.

Việc triển khai thực hiện Đề án là một trong những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2015-2020 vừa qua, cụ thể như sau:

Một là góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2014-2019 tăng khá ở mức 10-12% so với năm trước;

Hai là giúp duy trì, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước: trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80% - 90%;

Ba là hệ thống phân phối đã được phát triển mạnh mẽ, không ngừng cải tiến, đa dạng hóa, từ đó mang đến một diện mạo mới cho ngành bán lẻ Việt Nam: đến năm 2019 cả nước có 8.500 chợ, 1.085 siêu thị và 240 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn;

Bốn là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Tỷ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 17% của năm 2015 xuống 13,96% vào năm 2019, trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 39,73% của năm 2015 lên 41,17% vào năm 2018 và 41,64 % trong năm 2019;

Năm là khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19: Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đều đặc biệt đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng như vừa qua. Nhờ đó, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, lưu thông thường xuyên, không những đủ đáp ứng cho thị trường trong nước, bảo đảm nhu cầu cho người dân mà còn xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới;

Sáu là góp phần chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu: năm 2015, Việt Nam nhập siêu là 3,2 tỷ USD; đến năm 2019, Việt Nam xuất siêu 11,12 tỷ USD;

Bảy là nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng đã có những chuyển biến đáng kể với 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động; 67% người “Tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Là một quốc gia có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, Việt Nam cũng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, thu hẹp thị trường xuất khẩu. Vì vậy, giữ vững thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước; ngành phân phối là một trong những động lực để phát triển kinh tế.

Xác định tầm quan trọng của việc tiếp tục triển khai Đề án trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Kết luận số 107-KL/TW của Ban Bí thư ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế và Kết luận số 77-KL/TW ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, trong đó nhấn mạnh: Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có Công văn số 577-CV/BCSĐ gửi Văn phòng Trung ương Đảng góp ý về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, trong đó có đề xuất “Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội”./.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương

Theo Báo Công Thương Điện Tử

Từ khóa : thị trường trong nước, Hàng Việt