Kết nối cung - cầu: Nhiều cơ hội về đầu ra cho hàng hóa

Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2020 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tham gia. Lượng hàng hóa được tiêu thụ mạnh, hợp đồng cung - cầu hàng hóa gia tăng, mở ra nhiều cơ hội về đầu ra sản phẩm.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác thương mại giai đoạn 2016 - 2020 và Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2020, diễn ra từ 24 - 27/9 đã kết thúc và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Kết nối cung   cầu: Nhiều cơ hội về đầu ra cho hàng hóa
Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020 là cơ hội cho nhiều DN giao thương

Cụ thể, trong 4 ngày tổ chức, đã có hơn 1.500 DN của 43 tỉnh thành tham gia trưng bày 512 gian hàng, giới thiệu với người tiêu dùng và đối tác các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng của địa phương. Mỗi ngày doanh thu bán hàng tại sự kiện kết nối cung - cầu đạt khoảng 7,6 tỷ đồng, doanh thu bình quân mỗi gian hàng đạt 15 triệu đồng/ngày.

Cùng với Chương trình Kết nối cung - cầu, hội nghị kết nối giao thương tại sự kiện đã có hơn 1.000 lượt DN, cơ sở sản xuất tiếp xúc với các DN phân phối và thực hiện được 595 biên bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất, phân phối sản phẩm. Đơn cử như Saigon Co.op đã thực hiện ký kết với các nhà sản xuất 120 biên bản, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn 99 biên bản, Central Group Việt Nam 85 biên bản...

Cơ sở Sản xuất Rượu thủ công truyền thống Út Tây tham gia Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020 với các loại đặc sản truyền thống như rượu Lão tử, Đông trùng hạ thảo Út Tây, Rượu trắng Út Tây, sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP của tỉnh Hậu Giang.

Đại diện Cơ sở Sản xuất Rượu thủ công truyền thống Út Tây, bà Võ Thị Phương Trang cho biết, sản phẩm sản xuất truyền thống với hương vị ngon, độc lạ nên được rất nhiều người tiêu dùng và các DN quan tâm. Nhờ đó, một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn đã ký kết ghi nhớ để sắp tới cung cấp hàng cho họ.

Kết nối cung   cầu: Nhiều cơ hội về đầu ra cho hàng hóa
Gian hàng trưng bày sản phẩm của Cơ sở Sản xuất Rượu truyền thống Út Tây

Các loại thực phẩm chế biến như chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị, thát lát nhồi khổ qua rừng, chả cá thát lát rút xương của Hợp tác xã Kỳ Như vừa được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã “cháy hàng” trong những ngày diễn ra Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020. Bà Nguyễn Kim Thùy - Chủ nhiệm Hợp tác xã Kỳ Như cho hay, ngoài tăng thêm sản lượng cung cấp cho siêu thị Tứ Sơn, siêu thị Co.opmart đã có biên bản ghi nhớ để cung cấp sản phẩm cho siêu thị này và một số DN đã có ghi nhận đến thăm cơ sở để tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới.

Chủ cơ sở Sản xuất Trà mãng cầu Diễm Phượng ở miệt Long Mỹ bên bờ sông Hậu - Nguyễn Thị Diễm Phượng hồ hởi khoe, trong những ngày diễn ra Chương trình Kết nối cung - cầu ở TP. Hồ Chí Minh gian hàng đã không có đủ hàng để bán. Ngoài sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng thành phố với các sản phẩm trà được chứng nhận chứng chỉ OCOP, cơ sở đã được một DN ngoại Hà Nội ký kết hợp tác bao tiêu khoảng 1 - 2 tấn trà/tháng để cung cấp cho khách hàng ở khu vực miền Bắc.

Kết nối cung   cầu: Nhiều cơ hội về đầu ra cho hàng hóa
Gian hàng trưng bày sản phẩm cá thát lát của Hợp tác xã Kỳ Như được nhiều người tiêu dùng quan tâm

Ông Lâm Đức Thiên, đại diện một DN ở Hà Nội thông tin, qua Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa lần này, công ty đã có dự định đặt hàng thu mua một số loại trái cây và trái cây sấy khô của một số cơ sở của tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bình Thuận để xuất khẩu. Theo ông Thiên, những sản phẩm nào tốt nhất của nhà sản xuất đều mang đến để giới thiệu, vì thế những DN thương mại đều có đủ điều kiện để tiếp xúc với hàng hóa, với chủ cơ sở, từ đó đi đến hợp tác sản xuất, thu mua nhanh gọn.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang đánh giá, Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành năm 2020 đã kết thúc nhưng đã mở ra nhiều cơ hội cho DN, cơ sở sản xuất gặp gỡ, tiếp xúc và bàn thảo về kế hoạch sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong tương lai. Chương trình không chỉ tạo ra nguồn cung về hàng hóa thiết yếu ổn định với sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường thành phố mà còn xây dựng mạng lưới thương mại giữa các vùng miền ngày càng chuyên nghiệp, phát triển bền vững và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới.

Theo Trần Thế (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Kết nối cung - cầu