Hoàn thiện các FTA: Động lực cho nền kinh tế Đông Nam Á đón đầu cơ hội
Khi xảy ra suy thoái, các nền kinh tế thường hình thành xu hướng bảo hộ bằng cách dựng lên các rào cản thương mại. Nhưng đó không phải là một lựa chọn được khuyến khích đối với khu vực Đông Nam Á vốn phụ thuộc vào thương mại. Bây giờ là thời điểm các thành viên ASEAN cởi mở hơn nữa bằng cách tham gia hoàn thiện các thỏa thuận thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Khi Đông Nam Á thận trọng từng bước nới lỏng các hạn chế sau đại dịch Covid-19, trọng tâm chính sách đang chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang khởi động nền kinh tế. Trong dự báo hồi tháng 6, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ giảm 2% vào năm 2020, tốt hơn mức trung bình toàn cầu - 5%, nhưng vẫn sẽ là một cú sốc nghiêm trọng đối với một khu vực đã trải qua tăng trưởng hàng năm kể từ những năm 1960.
Xây dựng lại động cơ tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ là một thách thức. Ba lĩnh vực thương mại lớn của khu vực - hàng hóa, điện tử và dệt may - tất cả đều phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế khi nhu cầu giảm. Và đầu tư, vốn đã từng là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, sẽ giảm đáng kể trên khắp Đông Nam Á, làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng sản xuất của khu vực. Sự cám dỗ vào những thời điểm kinh tế toàn cầu không chắc chắn là cố gắng kích cầu và đóng cửa nền kinh tế.
Ngay cả trước Covid-19, có bằng chứng cho thấy Đông Nam Á đang trở nên thận trọng hơn khi nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Vào tháng 4/2019, Hội đồng Kinh doanh ASEAN- EU ước tính rằng, 10 thành viên ASEAN đã áp đặt khoảng 6.000 hàng rào phi thuế quan riêng biệt đối với thương mại trong khu vực.
Các rào cản được xây dựng nhằm cố gắng bảo hộ nền kinh tế khỏi sự không chắc chắn có xu hướng trở thành rào cản đối với tăng trưởng. Phục hồi sau đại dịch là một thách thức, nhưng nó cũng là cơ hội để thiết lập lại chính sách: cơ hội mới để tạo ra một môi trường thương mại thuế quan thấp minh bạch, có phối hợp, tạo điều kiện cho sự phục hồi trong ngắn hạn và tạo tiền đề cho sự thịnh vượng lâu dài.
Mấu chốt nằm ở các hiệp định thương mại tự do, cụ thể là RCEP và CPTPP. RCEP chiếm 30% dân số thế giới và 29% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. CPTPP là một hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện, tiêu chuẩn cao, quy tụ 11 nền kinh tế từ cả hai bên Thái Bình Dương, chiếm tỷ trọng dưới 14% nền kinh tế toàn cầu.
Trong thời điểm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và những sóng gió kinh tế, các hiệp định này hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa cho một kỷ nguyên mới về hội nhập thương mại và đầu tư và sự chắc chắn giữa các quốc gia, duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nước lớn và nhỏ. RCEP - bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - được cho là đã đi đến những chi tiết cuối cùng sau gần một thập kỷ đàm phán.
Rõ ràng, một hiệp định RCEP được hoàn thành sẽ là một động lực kinh tế được hoan nghênh và kịp thời cho các doanh nghiệp đang tìm cách bù đắp tác động của đợt bùng phát Covid-19. Các thành viên đang nỗ lực kết thúc các cuộc đàm phán này trước hội nghị thượng đỉnh RCEP vào cuối năm nay.
Các thành viên RCEP cũng đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ “để ngỏ cánh cửa” để Ấn Độ tham gia trở lại. Các FTA cũng có thể tạo ra hàng rào cho các thị trường Đông Nam Á, những thị trường có thể bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương bởi các rào cản thương mại từ các đối tác thương mại truyền thống. Thái Lan, Indonesia và Philippines đã cân nhắc chi phí và lợi ích của việc gia nhập CPTPP khi mà Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei đã là thành viên trong hiệp định này. Nhưng với triển vọng kinh tế toàn cầu không còn tươi sáng như 9 tháng trước, các thị trường này có thể cần phải lựa chọn thực dụng hơn là sự hoàn hảo khi đánh giá khả năng tồn tại trong CPTPP. Rủi ro bỏ lỡ có thể gây tốn kém. Các FTA khu vực như RCEP và CPTPP cũng đang thúc đẩy các cải cách quy định quan trọng trong nước, bao gồm các lĩnh vực như luật lao động (gắn với năng suất lao động), tự do hóa đầu tư, an ninh mạng, quy tắc dữ liệu xuyên biên giới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những cải cách này tạo ra các khuyến khích thương mại vật chất cho thương mại và đầu tư từ các đối tác thành viên.
Điều này sẽ chỉ tăng tốc khi thấy được động lực của chuỗi cung ứng thay đổi. Ví dụ: nghiên cứu vào tháng 7/2020 của HSBC cho thấy, các công ty đang tìm kiếm sự kiểm soát, minh bạch và tự tin hơn trong sản xuất chuỗi cung ứng của họ. Các nhà cung cấp có thể đưa ra các đảm bảo theo khuôn khổ FTA để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh. Kịch bản này rất có thể được áp dụng cho hệ sinh thái sản xuất điện tử của Đông Nam Á.
Hiện tại, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đều cạnh tranh việc lắp ráp thiết bị điện tử có giá trị thấp hơn. Khi các nhà sản xuất bắt đầu xem xét lại các địa điểm trong chuỗi cung ứng của họ, trong môi trường Covid-19 này, các địa điểm trong tương lai có thể được lựa chọn dựa trên các quốc gia cung cấp các yếu tố hấp dẫn nhất. Tất nhiên, việc hoàn thiện một FTA không phải chỉ diễn ra trong một sớm một chiều vì các hiệp định này rất phức tạp và có tác động trực tiếp đến các nền kinh tế trong nước.
Để đạt được thành công sẽ đòi hỏi các chính phủ Đông Nam Á phải đưa ra những thông điệp mạnh mẽ và hấp dẫn đến các thành viên về những lợi ích mà các hiệp định này sẽ mang lại. Các nước cũng sẽ cần bổ sung chính sách thương mại với các chương trình trong nước nhằm tái kỹ năng hoặc sử dụng lại những lao động có thể bị ảnh hưởng bất lợi do cạnh tranh nước ngoài gia tăng.
Tuy có vẻ trái ngược, nhưng triển vọng kinh tế đầy thách thức hiện tại thực sự có thể là thời điểm hoàn hảo để các nước Đông Nam Á thực hiện các hành động chính sách kinh tế và thương mại mạnh mẽ và sâu rộng như hoàn thiện RCEP hoặc gia nhập CPTPP. Trong thời kỳ bấp bênh hơn, chẳng hạn như giai đoạn hiện nay, lựa chọn rõ ràng hơn, đó là phải nhận ra, chấp nhận và đón nhận sự thay đổi và nắm bắt cơ hội, hoặc phải đối mặt với việc bị bỏ lại phía sau.Từ khóa : FTA, nền kinh tế Đông Nam Á