Sản xuất công nghiệp khởi sắc và tăng trưởng trở lại

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Theo đó, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4%

Báo cáo cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 tăng 2,3% so với tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

0342-cong-nghiep
Ngành công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng những tháng cuối năm

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 9 tháng giảm và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khí hóa lỏng (LPG) giảm 16,7%; bia giảm 14,6%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; ôtô giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%...

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất môtô, xe máy giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%...

Đơn cử như với nhóm hàng dệt may, tính chung 9 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 481,2 triệu m2, tăng 2,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 730,9 triệu m2, giảm 8,5%; quần áo mặc thường ước đạt 3.266,9 triệu cái, giảm 6,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 9 tháng ước đạt 22,06 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ.

Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới năm 2020 sụt giảm mạnh. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới là 775 tỷ USD, do Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ước tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 600 – 640 tỷ USD, giảm 15-20% so với 2019, thậm chí có thể giảm tới 25%.

Đáng chú ý, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành. Tiêu biểu, khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,2%...

Sản lượng ôtô sản xuất tháng 9 ước đạt 22.400 chiếc, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ôtô ước đạt 160.700 chiếc, giảm 11,8% so với cùng kỳ.

Từ cuối tháng 6/2020, với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách giảm thuế, phí trước bạ đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực cho các hãng sản xuất ôtô trong nước. Bộ Công Thương dự báo lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm, tuy nhiên chỉ khoảng 3-5% so với năm 2019.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra; quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Cụ thể đối với ngành dệt may, cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.

Bộ Công Thương đã tích cực làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời làm việc với Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may, các đơn vị tư vấn, chuyển giao công nghệ, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, các đơn vị phân phối để tạo điều kiện, khuyến khích, kết nối các doanh nghiệp chuyển đổi từ dệt may quần áo, sang dệt may khẩu trang vải. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng giọt bắn – kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải thông thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong nước, bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sẽ phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Trong 3 tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung thúc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Bộ Công Thương dự báo từ tháng 10, nếu đà kiểm soát dịch bệnh được duy trì như hiện nay, sản xuất sẽ tăng trưởng cao hơn để chuẩn bị cho các tháng tiêu thụ cao điểm cuối năm.

Theo Lan Anh  (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Sản xuất công nghiệp