Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt khai thác thị trường Singapore

(thegioitiepthi.vn) - Dù cơ hội cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường Singapore còn khá nhiều, nhưng để khai thác tốt thị trường này vẫn có nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thương hiệu sản phẩm và tiềm lực tài chính là những vấn đề gây trở ngại cho doanh nghiệp Việt. Ảnh: Trần Hùng

Kết thúc năm 2019, kim ngạch song phương giữa Việt Nam - Singapore đạt khoảng 16,5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Singapore đạt khoảng 4 tỷ USD.

Với kim ngạch nêu trên, các chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam vẫn chưa làm tốt vấn đề khai thác thị trường này. Theo ông Phillip Phùng, Giám đốc khu vực Đông Dương, Việt Nam - Singapore (Vietcham), Đảo quốc sư tử là một thị trường hết sức tiềm năng.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 59.590 USD, xếp thứ 11 thế giới và thứ 3 Châu Á, thu nhập bình quân đầu người của Singapore xếp thứ 3 thế giới với 92.020 USD/người/năm. Singapore và Việt Nam cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore được miễn thuế (trừ ô tô, xăng dầu, rượu, thuốc lá…).

Ông Phillip Phùng nhận định, nếu biết cách khai thác, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chiến lĩnh thị trường này trong thời gian tới.

Nhận thấy được tiềm năng của Singapore, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt đã có nhiều chiến lược hướng đến thị trường này. Từ năm 2019, Công ty cổ phần Anni với sản phẩm cà phê xuất khẩu đã đạt được những thành công nhất định.

Tuy nhiên, để có được những kết quả thuận lợi bước đầu, công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Bà Trịnh Thị Bích Thảo, giám đốc Anni cho hay Singapore đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Để có thể xuất khẩu, sản phẩm của công ty phải đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, HACCP…

“Ngoài ra, vấn đề khó khăn nhất là gây dựng hệ thống phân phối và chăm sóc khách hàng. Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực kinh tế không lớn nên luôn phải tính đến việc tiết kiệm kinh phí. Do đó không thể mở những cửa hàng lớn, xây dựng hệ thống phân phối và chăm sóc khách hàng một cách bài bản, vì những khâu này tốn rất nhiều tiền”, bà Thảo nói.

“Với công ty chúng tôi việc khó khăn nhất là chứng minh được thương hiệu sản phẩm. Lúc mang cà phê qua quảng bá, một số đối tác đánh giá cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn đòi hỏi về thương hiệu, họ có vẻ không tin tưởng lắm đối với những sản phẩm không có thương hiệu lớn. Trong khi đối với những doanh nghiệp mới thành lập như chúng tôi đó là điều gần như không thể”, bà Võ Thị Tố Linh - Quản lí phát triển thị trường Công ty TNHH Real Bean Coffee chia sẻ.

“Trong thời gian qua, chúng tôi đã thành lập nhiều nhóm doanh nghiệp cùng qua tìm kiếm cơ hội phát triển tại Singapore.  Chúng tôi đã liên hệ để các sản phẩm của doanh nghiệp Việt được bày bán sản phẩm trên Amazon; các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại tại quốc gia này”, ông Phillip Phùng nói.

Với những thách thức của doanh nghiệp, ông Phillip Phùng cho rằng để giải quyết những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp cần hợp tác với nhau, hỗ trợ nhau để khai thác thị trường này một cách tốt nhất.

Về mặt nhà nước, trong thời gian qua, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã tích cực tổ chức các hoạt động giao thương. Năm 2019 Thương vụ đã tổ chức gần 20 hoạt động xúc tiến thương mại tại Singapore, thu được nhiều kết quả tốt từ các hội chợ triển lãm tại Singapore - Việt Nam...

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : doanh nghiệp Việt, khai thác, thị trường Singapore