Việt Nam – Hàn Quốc: Cơ hội hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững trong điện thoại

SAMSUNG Việt Nam là câu chuyện điển hình thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Kéo theo đó là một loạt doanh nghiệp Hàn Quốc về linh kiện, phụ tùng điện thoại di động cũng bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp hai nước hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong lĩnh vực điện thoại.

Tại Tọa đàm đối thoại chính sách ngành linh kiện điện thoại di động do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức chiều 7/10, bà Lê Huyền Nga – Trưởng phòng công nghiệp hỗ trợ (Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương) – cho đánh giá, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong đó có linh kiện điện thoại di động là ngành công nghiệp tuy còn non trẻ, nhưng trong thời gian qua đã đạt những kết quả mạnh mẽ, chứng kiến sự phát triển vượt trội của ngành điện, điện tử.

3041-viet-nam-han-quoc-linh-kien-dien-thoai-copy

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 31,58 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2019. Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện giá trị xuất khẩu đạt 27,73 tỷ USD tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp trong nước và FDI đã sản xuất hầu hết các sản phẩm linh kiện, điện tử thiết yếu. Các sản phẩm đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tại Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử gia dụng có mức rất cao, chiếm 35% nhu cầu linh kiện, điện tử, phục vụ cho một số ngành như ô tô, xe máy (chiếm 40% tỷ lệ nội địa hóa). Nhiều doanh nghiệp làm được chi tiết công nghệ cao như Viettel, Vsmart đã sản xuất điện thoại di động.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành linh kiện, điện tử Việt Nam vẫn gặp một số hạn chế nhất định. Theo bà Lê Huyền Nga, đó là do năng lực doanh nghiệp, nguồn lực công nghệ và khả năng tự cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong nước vẫn còn hạn chế.

Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, các sản phẩm linh kiện điện tử trong nước vẫn chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, hàm lượng trung bình có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị nhỏ của sản phẩm. Các sản phẩm linh kiện, điện tử có hàm lượng công nghệ cao chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp”- bà Lê Huyền Nga đánh giá.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực linh kiện, điện thoại, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành này như Luật đầu tư sửa đổi năm 2020 quy định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; Nghị định 111/2015/NĐ-CP với 06 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi; Nghị Quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Kết quả, tính đến hết tháng 09 năm 2020, Bộ Công Thương đã cấp 61/90 Giấy xác nhận thuộc các ngành dệt may, điện tử, ô tô, công nghệ cao và cơ khí; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu gồm 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày. Hay nhiều chương trình hợp tác quốc tế như Samsung hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khuôn mẫu...

3442-san-xuat-linh-kien-dien-thoai
Nhiều doanh nghiệp làm được chi tiết công nghệ cao như Viettel, Vsmart đã sản xuất điện thoại di động

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết, trong những năm qua, Cục đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước nhằm tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như đối tác đầu tư. Tại các sự kiện xúc tiến thương mại – đầu tư được tổ chức tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với việc đầu tư vào Việt Nam và thể hiện mong muốn được đến Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn về thị trường cũng như tiềm năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện đã có khoảng 8.900 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1.000.000 lao động và đóng góp khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. FDI Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...

Ông Lee Jong Seob - Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội – chia sẻ, năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là nước đứng đầu vốn FDI vào Việt Nam. Lũy kế đến ngày 20/08/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam.

Trong đó, SAMSUNG Việt Nam là điển hình câu chuyện thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – cho biết, sau 12 năm kể từ khi Samsung nhận giấy phép đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy điện thoại đầu tiên tại Việt Nam, đến nay vốn đầu tư của hãng công nghệ Hàn Quốc đã tăng lên 26 lần với tổng vốn công bố là 17,3 tỷ USD và doanh số xuất khẩu chiếm tỉ trọng trung bình 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam. Hàng tỷ thiết bị ra thị trường toàn cầu từ 6 nhà máy Samsung tại Việt Nam, năm 2019 mang lại doanh số xuất khẩu cho Việt Nam đạt 59 tỷ USD.

Việt Nam hiện đang là cứ địa sản xuất lớn nhất của Samsung ở nước ngoài, đồng thời Samsung trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam. Sự gia tăng đầu tư và sản xuất của Samsung đã góp phần đưa Việt Nam nhanh chóng ghi tên trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Cùng với những đóng góp về kinh tế, Samsung đang sử dụng hơn 130.000 lao động Việt Nam có tay nghề cao đang làm việc tại khắp các nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Hiện tại đầu tư về tổng thể đang chậm lại trên toàn thế giới, nhưng nhiều công ty Hàn Quốc đang xem xét đầu tư tại Việt Nam để đa dạng hóa cơ sở sản xuất” – ông Lee Jong Seob nhấn mạnh.

Trước nhu cầu đầu tư và tìm kiếm đối tác tiềm năng trong lĩnh vực điện tử của các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Vũ Bá Phú bày tỏ, buổi Tọa đàm sẽ đưa đến cơ hội quý báu để cùng nhau tạo nên kênh đối thoại chuyên ngành hỗ trợ các nhà đầu tư Hàn Quốc có định hướng và kế hoạch đầu tư lâu dài tại Việt Nam, tạo kênh trao đổi và kết nối hợp tác đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững trong lĩnh vực điện thoại, góp phần to lớn thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Bộ Công Thương Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại luôn sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Theo Thu Phương (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Hàn Quốc, chuỗi liên kết, sản xuất bền vững, điện thoại