Ngành chế biến gỗ ứng dụng công nghệ tạo sức cạnh tranh sản phẩm
Ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ trước đây vốn được người tiêu dùng xem trọng và lựa trọn trước hết là các sản phẩm thủ công (handmade).
Bởi theo đánh giá của giới chuyên gia, sản phẩm thủ công chính là sự đầu tư công sức và độ tỉ mỉ cao trong việc tạo ra các chi tiết khó trên sản phẩm. Tuy nhiên, sự phát triển vượt trội của công nghệ hiện nay đã thay thế điều đó cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Trong bối cảnh bùng nổ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi các doanh nghiệp phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Việc đưa công nghệ điều khiển và tự động hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh là điều kiện tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Thực hiện được yêu cầu này sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra chất lượng sản phẩm cao và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Không những thế, với sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ 4.0, việc tạo ra các chi tiết phức tạp một cách nhanh nhất không còn là vấn đề gây khó khăn cho nhà sản xuất để đáp ứng các đơn đặt hàng lẻ, cũng như các đơn hàng phức tạp từ phía đối tác nước ngoài.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Chuyển đổi kỹ thuật số (Capgemini Việt Nam), các nhà máy thông minh có thể đóng góp tới 500 tỷ USD giá trị gia tăng cho nền kinh tế toàn cầu trong 5 năm tới. Mục tiêu chính của công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình sản xuất nhanh hơn, hiệu quả hơn và tập trung vào khách hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình tự động và tối ưu hóa bằng công nghệ sản xuất thông minh để khám phá các cơ hội và các mô hình kinh doanh mới.
Nắm bắt hiệu quả này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Bình Dương đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam (Bình Dương), công ty đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường. Trước đây công ty đã làm theo chuỗi, nhập máy móc của Đức, chú trọng trong lĩnh vực ván sàn là sử dụng công nghệ của Đức, Italy... Năm nay công ty sẽ đầu tư theo quy trình đó và tăng thêm máy móc để đạt được mục tiêu xuất khẩu.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ngành chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ Bình Dương nói riêng vẫn chưa thể sánh bằng các sản phẩm của các nước Đức, Italy, Ba Lan, vì các quốc gia này đều nhắm vào phân khúc cao và dây chuyền sản xuất được tự động hóa gần như 100%. Song với việc nhiều doanh nghiệp đang đồng loạt nhập về các máy móc thiết bị rất hiện đại cũng như đầu tư nhiều hơn cho quản lý, sản xuất thì tương lai không xa ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm cạnh tranh ở phân khúc cao cấp, sánh ngang tầm với những nước có nền khoa học tiên tiến.
Có thể nói, đầu tư một dây chuyền công nghệ cao vào sản xuất, chế biến gỗ ban đầu "ngốn" không ít chi phí khiến nhiều doanh nghiệp ngán ngẩm. Thế nhưng, xét trên nhiều phương diện khác, các doanh nghiệp đều nhận thấy, cuộc chơi này không hề lỗ vốn.
Theo ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo của Hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại nhiều sản phẩm công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất và điều hành công ty. Theo đó, nếu các công ty đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thì chất lượng, số lượng sản phẩm tăng, tiết kiệm được nguồn lực, doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Đón đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này, các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ ở Bình Dương đã thay đổi về tư duy để cập nhật những kiến thức mới đáp ứng yêu cầu; đồng thời, nâng cấp các trang thiết bị máy móc tự động và công nghệ để đón đầu những lợi thế mà cuộc cách mạng này đem lại. Chính vì vậy BIFA đã tổ chức khóa đào tạo về hệ thống công nghệ cho các doanh nghiệp trong hội và được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay thì việc đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại là yêu cầu thiết yếu để các doanh nghiệp sản xuất và chế biến đồ gỗ mỹ nghệ nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
Theo đó, việc tự động hóa là cách loại bỏ những công đoạn kém hiệu quả trong sản xuất. Thiết lập và lập trình thiết bị đúng cách sẽ giúp tạo ra sai số nhỏ, nhờ đó loại bỏ việc phải làm lại sản phẩm cũng như giảm thiểu lượng phế liệu được tạo ra. Những thiết lập này giúp cho những công nhân vận hành có tay nghề cao nhất rút ngắn thời gian khi tạo ra sản phẩm.
Các máy tự động được thiết kế để thực hiện nhiều thao tác cùng một lúc, do đó không cần phải di chuyển vật liệu sau mỗi giai đoạn sản xuất, các sản phẩm hoàn chỉnh có thể gửi trực tiếp đến nơi lưu trữ mà không cần sự can thiệp của con người. Do vậy, hoạt động sản xuất sẽ ít phụ thuộc hơn vào người lao động, giúp tối đa hóa năng suất sản xuất. Công nghệ sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp sản xuất theo quy trình, tăng độ chính xác, dễ dàng kiểm soát dữ liệu dựa trên hệ thống máy móc điều khiển. Thực hiện các nguyên tắc sản xuất tinh gọn kết hợp với các thiết bị sản xuất tự động để quá trình sản xuất hiệu quả, năng suất cao hơn.
Đây chính là ưu thế giúp các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ ứng phó với tình huống bất ngờ, đột xuất từ các đơn hàng châu Âu trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, ông Minh chia sẻ thêm.
Theo HỒNG NHUNG - MINH HƯNG (TTXVN)
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Ngành chế biến gỗ, ứng dụng công nghệ, cạnh tranh sản phẩm