Chủ quán cà phê Arul và câu chuyện từ chối đối tác vì không muốn phá vỡ văn hóa Ê-đê

(thegioitiepthi.vn) - “Hiện quán vẫn chưa hòa vốn, tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc hòa vốn. Nếu mở quán chỉ nghĩ tới mục tiêu kiếm tiền thì đổi lại sẽ mất văn hóa”, chị H’Len Niê, chủ quán cà phê Arul (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ.

Chị H'Len Niê, chủ quán cà phê Arul say sưa nói về văn hóa truyền thống của người Ê-đê. Ảnh: T.L.

Từ di ngôn của người cha quá cố

Buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột san sát những dãy nhà mái bằng hiện đại. Thế nhưng, giữa lòng buôn, vẫn có người phụ nữ đang miệt mài gìn giữ văn hóa của người Ê-đê, từng vét cạn tiền túi để phục dựng mẫu nhà dài truyền thống, biến nó thành quán cà phê để giữ gìn và quảng bá văn hóa của mình. Đó là chị H’Len Nie, chủ quán cà phê Arul.

Chị H’Len cho biết, quán Arul là tài sản thừa kế của người cha quá cố, được xây dựng từ những năm 1985.

Sau thời gian, nước mưa thấm vào đất khiến nền bị sụt, nhà bị nghiêng, gỗ bị mối mục. Không muốn tài sản của người cha bị phá bỏ, chị H’Len quyết tâm vận động anh em trong gia đình đóng góp tài chính, hỗ trợ quỹ đất để phục dựng nhà dài.

“Việc trùng tu lại nhà dài rất vất vả vì từng bộ phận bị hư phải tháo ra thay mới. Lúc sửa nhà tôi chỉ dám thuê 1 người thợ vì không có điều kiện chi trả, còn lại tự mình phải làm hết, từ việc tìm loại gỗ, đi mua gỗ, lái xe rùa, xếp đá, thợ xây… ngồi nghĩ lại thì thấy nhiều việc nhưng lúc mình làm mình không nghĩ gì hết, cứ làm dần dần thôi, vì nếu ngại thì không bao giờ làm được”, chị H’Len chia sẻ.

Ngôi nhà dài truyền thống được chị H'Len Niê phục dựng để giữ gìn văn hóa của người Ê-đê. Ảnh: Huyền Trang.

Sau quá trình phục dựng nhà dài, năm 2015, quán cà phê Arul được thành lập. Chị H’Len cho biết, ý tưởng kinh doanh quán cà phê xuất hiện rất bất ngờ. Tuy nhiên thời điểm đó, chị tự nhận mình là “người nông dân chính hiệu, không được học hành nhiều, không tiếp xúc nhiều với xã hội” nên không biết phải kinh doanh như thế nào. Vì vậy, chị quyết định cho một đơn vị khác thuê lại không gian còn bản thân thì làm việc cho họ để học việc rồi sau đó sẽ tiếp quản.

Thế nhưng, sau một thời gian kinh doanh, vì yếu tố lợi nhuận, đối tác yêu cầu thiết kế lại không gian. Không muốn để họ phá vỡ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, chị H’Len quyết định dừng hợp tác, lấy lại quán cà phê và một lần nữa huy động kinh tế của các thành viên trong gia đình để làm.

“Rất tình cờ một hôm, có một bạn người Ê-đê đi ngang qua quán, thấy thích nên đặt vấn đề hợp tác với tôi. Tuy nhiên để hoàn thiện quán phải mất 200-300 triệu, trong khi bạn đó cũng không có tiền, và bạn đó cũng muốn thiết kế quán với bàn ghế, đĩa cốc… giống như những quán bình thường. Điều này tôi không cho phép. Cuối cùng bạn đó chấp nhận đồng hành tôi với vai trò quản lý và đồng ý giúp tôi đến khi nào ổn định thì sẽ rời đi”.

Chính vì tin vào những mối “duyên bề trên”, chị H’Len lao vào làm việc không mệt mỏi, mặc cho chồng và người nhà phản đối: “Người ta vào quán đẹp, quán sang trọng chứ ai vào quán này”.

Suốt nhiều tháng trời, chị lặn lội khắp nơi để tìm mua lại những vật dụng truyền thống của người Ê-đê như cối giã gạo, chày, nong, nia, bàn ghế… thiết kế quán. Để có người pha chế, chị tìm đến một bạn trẻ trong xóm, vừa sinh con, chưa có việc làm, đầu tư tiền cho họ đi học rồi tiếp tục bỏ tiền để trả lương cho họ học việc tại quán khác.

“Lúc đó nhiều người nói bạn này mải chơi, không làm được việc và e ngại khi tôi đầu tư tiền cho người ta, nhưng tôi chỉ nghĩ đó là do bạn ấy không tìm được việc phù hợp để làm, còn những điều khác tôi không nghĩ nhiều. Giờ bạn ấy là một nhân viên pha chế tốt, thẳng thắn và chính tôi và các nhân viên đều phải học pha chế từ bạn ấy”.

Những tưởng công việc trên đà thuận lợi, con trai chị H’Len đột nhiên đổ bệnh trầm cảm. Chị lại tất bật ngược xuôi, ròng rã hàng năm trời, tìm đến những bệnh viện lớn để chữa trị cho con. Dù áp lực tứ phía, nhưng người phụ nữ “vừa lì, vừa khùng” quyết tâm không để mình gục ngã, vẫn kiên quyết vừa duy trì hoạt động của Arul, vừa đồng hành cùng con chữa trị.

“Không biết vì sao khách biết quán mình”

Du khách đến Arul không chỉ uống cà phê Buôn Ma Thuột, mà còn trải nghiệm không gian văn hóa của người đồng bà Ê-đê. Ảnh: Huyền Trang.

Chị H’Len cho biết, trước kia chị không biết dùng điện thoại thông minh, cũng chưa từng đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội nên không biết vì sao khách biết và tìm đến quán. Ngay cả quản lý chi phí quán, cũng là giao cho một bạn mua đồ, ghi vào sổ, đến cuối tuần, cuối tháng tổng kết.

Đến thời điểm hiện tại, dù bỏ ra số tiền lớn để trùng tu và thiết kế quán nhưng chị H’Len cho biết, số tiền thu được rất “nhỏ giọt”, chỉ đủ sinh hoạt hàng ngày chứ đừng nói đến chuyện có dư để hòa vốn: “Việc xây dựng quán trước hết là thực hiện di ngôn của cha, sau là vì đam mê của bản thân và giữ gìn văn hóa của buôn làng, dòng tộc. Bản thân văn hóa là cái đẹp, là cái riêng biệt, không điều gì có thể đánh đổi được. Vì vậy tôi nghĩ mình đã đẹp rồi thì sao không giữ cái đẹp của mình, tại sao phải thay đổi theo cái khác. Nếu mở quán chỉ nghĩ tới mục tiêu kiếm tiền thì đổi lại sẽ mất văn hóa”.

Hiện ngoài quán cà phê Arul, chị H’Len xây dựng một homestay và đang có kế hoạch mở quán ẩm thực truyền thống, bởi chị muốn mỗi du khách đến đây đều có thể cảm trọn văn hóa của người Ê-đê từ không gian kiến trúc đến con người và cả những sinh hoạt đời thường như bữa ăn, giấc ngủ.

“Tôi muốn tạo một không gian êm đềm, đón tiếp mỗi vị khách trong sự trân trọng, có thể cùng họ nấu bữa cơm, đàn ghi ta hát mỗi tối… Cách giữ gìn và truyền bá văn hóa tốt nhất không gì bằng trải nghiệm. Khi bạn sống như người Ê-đê, trong bạn sẽ có chút gì đó của người Ê-đê”, chị H’Len tâm sự.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : cà phê, Arul, từ chối đối tác, Ê-đê