"Doanh nghiệp vượt khó thành công trong đại dịch Covid-19 có thể coi là những anh hùng"

Phát biểu Tại diễn đàn “Đảng với Doanh nhân” kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2020, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực, vượt khó thành công để duy trì hoạt động, tạo ra việc làm cho xã hội, có thể coi là những anh hùng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 3 quý đầu năm 2020, cả nước có 98.955 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, 3 quý đầu năm giai đoạn 2015-2019 chưa từng ghi nhận sự sụt giảm nào về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng trung bình là 14,3%). Bên cạnh đó, đã có 78.306 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gồm 38.629 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 27.588 doanh nghiệp chờ giải thể, 12.089 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (trung bình mỗi tháng có 8.701 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2019).

Dữ liệu lịch sử về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ trung bình gia tăng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 3 quý đầu năm giai đoạn 2015-2019 là 21,9%. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2020, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã tăng đến 81,8% với cùng kỳ năm 2019, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020.

5915-van-tai-duong-bo-copy
Vận tải đường bộ một lĩnh vực bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ảnh NQ

Những số liệu về phát triển doanh nghiệp nêu trên cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong hơn 3 quý đầu năm 2020. Tuy nhiên, dù gặp khó khăn do đại dịch, ngoài số doanh nghiệp không thể trụ nổi phải rút lui khỏi thị trường, thì đại đa số các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế đều đã rất nỗ lực, cố gắng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động, chờ đợi khó khăn đi qua để tiếp tục phát triển. Trong đó, có những doanh nghiệp vượt khó thành công rất đáng khích lệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta, một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, cho biết: Dịch Covid-19 đã tác động khó khăn chưa có tiền lệ đối với các doanh nghiệp vận tải đường bộ và dịch vụ logistics, khi nguồn cung từ bên ngoài bị tắc nghẽn, thị trường đầu ra (xuất khẩu) cho hàng hóa Việt Nam suy giảm. Ước tính, doanh thu của các doanh nghiệp vận tải đường bộ và dịch vụ logistics bị sụt giảm khoảng từ 20-30% do dịch Covid-19 tác động. Điều này, đã khiến cho dòng tiền thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng. Trong đó, Công ty TNHH quốc tế Delta cũng đã bị suy giảm doanh thu hơn 20%. Ông Nghĩa cho biết, là đơn vị hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, với cơ cấu chi phí có tỷ lệ lên tới 35% là chi phí khấu hao (trả nợ vốn vay…), trong khi doanh thu sụt giảm trên 20% đã khiến khả năng thanh khoản của Công ty TNHH quốc tế Delta gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ vốn vay ngân hàng…

Để giải quyết khó khăn, xác định điễn biến của dịch bệnh có lường và chưa biết bao giừo kết thúc, ngay trong tháng 3/2020, Công ty TNHH quốc tế Delta đã đưa ra chiến lược vượt khó trong đại dịch, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt tái cơ cấu lại chi phí vận hành, tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, loại bỏ tất cả các hoạt động không sinh lời, hoặc hoặc sinh lời kém… để củng cố dòng tiền thanh khoản. Mục tiêu đề ra là duy trì hoạt động ổn định để đợi cơ hội khi dịch bệnh kết thúc, không tham vọng với chỉ tiêu tăng doanh thu và lợi nhuận.

Nhờ thực hiện quyết liệt kế hoạch vượt khó, đến nay, Công ty TNHH quốc tế Delta, đã và đang đạt được trạng thái bình thường mới theo khuyến cáo của Chính phủ. Ông Nghĩa khẳng định, ưu tiên hàng đầu của công ty hiện nay, là tiếp tục duy trì hoạt động ổn định và sẵn sàng đón bắt các cơ hội phát triển sau đại dịch.

0009-do-go-tam-phat-copy
Sản xuất đồ gỗ tại Tập đoàn Tam Phát. Ảnh NQ

Ông Phạm Xuân Trường - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Tam Phát, cũng cho biết: Tác động của dịch Covid-19 rất lớn đến các doanh nghiệp đồ gỗ. Ngành gỗ Việt Nam đã bị sụt giảm mạnh về xuất khẩu. Sản phẩm đồ gỗ cao cấp của Tập đoàn Tam Phát rất khó tiêu thụ do sức mua thị trường suy giảm. Để giải quyết đầu ra sản phẩm khi xuất khẩu gặp khó khăn, Tập đoàn Tam Phát đã tổ chức kích cầu thị trường nội địa, tổ chức và tham gia các hội chợ đồ gỗ, huy động cả hệ thống cũng như người lao động… vào cuộc để bán hàng, thậm chí bán sản phẩm với giá không lợi nhuận để có tiền cho các đơn vị thành viên và người lao động hoạt động và có thu nhập, việc làm.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Dương Vít - một công nhân lâu năm tại Xưởng gỗ của Tập đoàn Tam Phát, cho biết: Từ tháng 2 đến nay, công việc của ông và anh em (50-60 người) tại xưởng vẫn luôn ổn định, đều đặn. Với tay nghề của ông, mức lương hàng tháng hiện được Tập đoàn Tam Phát trả là trên 10 triệu đồng, chưa kể ăn và nghỉ giữa ca. Thu nhập của những người khác thấp nhất cũng 7 triệu đồng/tháng. Không chỉ duy trì được hoạt động, việc làm, thu nhập cho người lao động, hiện Tập đoàn Tam Phát vẫn đang tiếp tục tuyển dụng lao động nghề mộc (gỗ) vào làm việc.

Về lâu dài, ông Trường cho biết, Việt Nam đang là nước xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng hàng thủ công mỹ nghệ gỗ lại chưa xuất khẩu được nhiều. Nguyên nhân do tính chất phát triển còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung… Để xuất khẩu các mặt hàng gỗ mỹ nghệ, cần thông qua cac doanh nghiệp có chiến lược tốt hướng ngoại, có cách làm bài bản, tạo ra thương hiệu gỗ mỹ nghệ Việt Nam để giới thiệu ra thế giới…. Trong thời gian tới, Tam Phát sẽ liên kết tất cả các doanh nghiệp vệ tinh trong hệ thống của mình với nhau để tạo thêm sức mạnh, tập trung phát triển thương hiệu gỗ mỹ nghệ Việt Nam để hướng tới xuất khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn "Đảng với doanh nhân", nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2020, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng: Chúng ta đang trong “cuộc chiến” để loại bỏ dịch Covid-19. Trong “cuộc chiến” này, lại bao gồm 2 có “cuộc chiến”, đó là bảo vệ sinh mệnh con người và tạo sinh kế cho con người. Sinh mệnh con người là rất quan trọng, để tồn tại thì sinh kế cũng vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta. Đất nước này, phải cảm ơn các doanh nghiệp, doanh nhân, vì họ đã tạo ra việc làm, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực, vô vàn khó khăn này, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt khó, trụ vững để phát triển có hiệu quả, tạo ra của cải, vật chất cho xã hội, giải quyết được việc làm cho người lao động. Những doanh nhân lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt khó khăn trong đại dịch thành công, tạo việc làm cho xã hội..., có thể coi là những dũng sĩ, những anh hùng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.

Theo Ngọc Quỳnh (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Doanh nghiệp vượt khó, Covid-19