Những ngư dân gạt kiêng kỵ đi cứu người giữa lũ dữ

(thegioitiepthi.vn) - Bản tin phát thông báo mưa lũ trên tivi chưa hết, anh Ngư đứng dậy choàng áo mưa, nói với vợ con: “Tôi đưa thuyền đi cứu người đây". Con gái lớn của anh động viên: “Trên mạng xã hội nhiều người kêu cứu quá, cha đi cứu người đi cha”.

Trong cơn lũ dữ ở Quảng Bình nhiều ngày qua, những chiếc thuyền của ngư dân đã cứu sống hàng ngàn sinh mạng. Thường ngày, ngư dân vùng biển kiêng kỵ rất nhiều thứ, nhưng khi đồng bào lâm nạn họ không thể ngồi yên.

Thuyền ngư dân bỏ qua kiêng kỵ đi cứu người trong cơn lũ dữ.

Tối ngày 18/10, bản tin thời sự đưa tin về mưa lũ ở miền Trung, một số địa phương đang đứng trước nguy cơ đối mặt với mưa lũ lớn. Quảng Bình, một trong những địa phương sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bản tin phát chưa xong, anh Trần Văn Ngư (xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đứng dậy, choàng áo mưa đi kêu gọi thêm anh em đưa thuyền lên cứu dân.

Con gái lớn của anh nghe tin cha chuẩn bị đi cứu người, ra đứng trước cửa động viên: “Cha đi cứu người đi cha”. Rồi cô mở một số lời kêu cứu của người dân trên mạng xã hội cho anh xem. Vợ anh đưa thêm áo khoác, nhắc: “Anh đi cẩn thận”.

Được gia đình động viên, anh Ngư có thêm động lực. Anh bắt máy gọi cho trưởng thôn: “Trong đồng bằng nước lên cao và nhanh quá, tôi nghĩ mình nên đưa thuyền lên đi cứu dân”.

Vị trưởng thôn nghe anh báo tin, phấn khởi: “Hay quá, tôi cũng có ý đó, định thông báo với anh em”.

Anh Ngư chạy xe máy đến nhà trưởng thôn, cả hai người tiếp tục bắt máy gọi thêm anh em có thuyền. Thôn Tân Thuận đêm đó huy động được 6 chiếc thuyền của ngư dân.

Nhờ đội thuyền ngư dân này, hàng ngàn người đã được ứng cứu, di tản kịp thời.

Huy động được anh em, họ điện xe tải về cẩu chở thuyền lên. Đêm tối, mưa gió, những ngư dân chạy xe ra sát bãi biển. Họ móc thuyền cẩu lên xe, chở vào vùng ngập lũ.

21 giờ, những chiếc thuyền vào đến nơi, họ đội đèn pin trên đầu giong thuyền đi cứu người. 6 chiếc thuyền nổ máy, nhắm hướng các vùng dân cư, thẳng tiến.

Anh Ngư đứng sau chạy thuyền, phía trước có một hoa tiêu dẫn đường. Chiếc thuyền chạy vào đến khu dân cư, anh Ngư giảm tốc độ. Hai người chiếu đèn pin vào các nhà dân, gọi to: “Có ai ở đây không?”.

Đi ngang qua không thấy ai trả lời, anh nhích ga cho thuyền tiến lên. Họ tiếp tục gọi, khi có người trả lời lại và mong muốn được di tản, họ tìm cách tấp sát vào nơi có thể, đưa người lên.

Chiếc thuyền tiếp tục di chuyển, đến các vùng đông dân cư hơn. Anh tắt máy, thả trôi thuyền để lắng nghe tiếng kêu cứu rõ hơn. Vùng rốn lũ Lệ Thủy tối 18/10 nước lũ lên nhanh, nhiều người không kịp di tản. Một số người phá ngói nhô đầu ra ngoài kêu cứu khi nghe tiếng gọi.

Đến tối, mưa mù trời, gió rít từng cơn, anh Ngư phải rất vất vả đánh lái chiếc thuyền, chăm chú nghe tiếng kêu.

Một người dân nhô đầu ra, kêu cứu khi thấy bóng dáng thuyền. Anh nói với hoa tiêu: “Trong này có người”. Cả hai người rọi đèn tìm đường vào, may mắn chiếc thuyền đi vào đến sân. Anh Ngư đứng giữ thuyền, người kia bê một bà già xuống, rồi tiếp sau đó là một thanh niên.

“Răng không di tản mà ở lại nguy hiểm ri?”, anh Ngư hỏi hai người vừa được ứng cứu. Họ vừa run vừa trả lời “Ai biết nước lên cao ri mô”.

Ứng cứu được hai người, thấy họ quá lạnh và sức khỏe không tốt, anh bàn với người đồng hành: “Không đi gom nữa, phải chuyển ra gấp để đảm bảo sức khỏe cho họ”.

Cả hai thống nhất như vậy, rồi nổ máy, cài số lùi quay thuyền đưa người dân ra vùng cao. Xong, anh Ngư tiếp tục di chuyển, vào làng tìm cứu người.

Mưa vẫn cứ xối xả, gió rít từng cơn. Chiếc thuyền quen đi trên biển, khi vào đồng ruộng, vào xóm anh Ngư phải rất chú ý để tránh các vật cản.

“Mình chạy trên biển quen đường, với lại nước biển nó khác nước sông. Nước biển nó làm thuyền nổi, chứ nước sông nó làm thuyền nhấn xuống sâu hơn”, anh Ngư nói.

Chiếc thuyền tăng tốc nhanh hơn. Đi được một đoạn, anh gặp một chiếc khác cũng đang lao vào khu dân cư tìm kiếm dân. Họ ra hiệu chào nhau, rồi đường ai nấy đi.

Anh Ngư điều khiển thuyền vào đi tiếp khu vực lúc trước đã cứu hai người kia, tắt máy, thả trôi thuyền, gọi to trong cơn gió rít. Một người đàn ông bơi ra ra, lên tiếng: “Vào đây đưa vợ tôi đi với”. Anh Ngư rẽ vào, người chồng dẫn chiếc thuyền vào trong sân. Người phụ nữ đang mang thai. Cả ba cố dìu người phụ nữ lên, chiếc thuyền tròng trành. Rất khó khăn để đưa lên. Sau một hồi vật lộn, người phụ nữ cũng an toàn lên thuyền, ướt đầm đìa.

“Có thai mấy tháng rồi?”, anh Ngư hỏi.

“Một tuần nữa sinh, anh ơi!”, người chồng trả lời.

Chiếc thuyền quay ngược lại, chở người phụ nữ và chồng đến thẳng bệnh viện.

Thường ngày những ngư dân miền biển rất kiêng kỵ phụ nữ lên thuyền họ, đặc biệt là những người mang thai. Họ bảo: “Như vậy là mắc phông lông. Sợ nhất là phông lông tử, và đẻ”. Nhưng trong cơn hoạn nạn, họ không có thời gian chần chừ cho suy nghĩ đó. Cứu người trên hết.

Anh Ngư đan lại lưới, kiểm tra ngư cụ khi biển yên sẽ vươn khơi trở lại.

Nghe anh em gọi điện bảo đi cứu người dân rốn lũ gặp nạn, anh Nguyễn Văn Thuy (45 tuổi), cũng xăn tay áo, choàng áo mưa bơi thuyền đi cùng.

“Thuyền mình đang rảnh, anh em trong kia bị nạn như vậy mình ở nhà ngủ răng yên được. Anh em đi thì mình cùng đi, cứu được ai tốt được người đó”, anh Thuy tóm tắt suy nghĩ của mình.

Chiếc thuyền anh Thuy cùng anh Ngư vượt sóng gió, đi cứu được hàng trăm người. Họ chạy ra vào làng quần quật cả đêm, đến khi rảo khắp các xóm thấy không còn ai kêu cứu, họ mới về nhà nghỉ ngơi.

Anh Ngư về đến nhà khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng. Vợ con anh vẫn ngồi thức ở phòng khách, đợi chờ. Thấy chồng về, chị Thương chạy ra, ôm chầm lấy người anh: “Lạnh không, ăn uống chi không, em nấu cho?”. Anh Ngư nói vợ nấu giúp gói mỳ tôm, ăn cho đỡ đói.

Đứa con gái lớn của anh, chạy lại hỏi han: “Cứu được nhiều người không cha?”. Anh Ngư ôm con, xoa đầu: “Cứu được nhiều lắm con. Mai cha đi tiếp”.

Anh Ngư (áo đỏ) và anh Thuy kiểm tra lại thuyền sau khi đưa về biển.

Những ngư dân đêm hôm đó xong việc cứu người, họ quay về nhà nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, mới 6 giờ kém họ đã có mặt tại các điểm ngập lũ tiếp tục chạy thuyền sơ tán người nếu ai đó muốn đi. Khi nước bắt đầu chững lại, rút dần, họ quay sang chở lương thực, thực giúp các đoàn từ thiện vào phân phát cho người dân.

Hàng ngàn người dân rốn lũ Lệ Thủy đã được đội thuyền ngư dân ứng cứu trong cơn lũ dữ. Khi nước rút hết, không thể chạy được anh Ngư và anh Thuy mới thuê xe chở thuyền về. Họ kiểm tra lại thuyền. Biển yên, lại tiếp tục giong thuyền ra khơi giữ biển, mưu sinh.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : ngư dân, kiêng kỵ, cứu người