Nikkei: Kinh tế Châu Á sẽ ra sao nếu ứng cử viên Biden đắc cử Tổng thống Mỹ?

Theo một số nhà phân tích, nhiều chính sách của Mỹ có thể sẽ không thay đổi nếu ứng viên Biden đắc cử. Ví dụ như quan điểm của ứng viên Biden về Trung Quốc có phần giống với Tổng thống Trump hơn là mềm mỏng như người tiền nhiệm Obama trước đó.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang dần đến hạn chót bỏ phiếu ngày 3/11/2020 và cả thế giới đang chú ý xem ai sẽ là người chiến thắng. Tại Châu Á, điều mà mọi người quan tâm là nếu Ứng cử viên Joe Biden của Đảng Dân Chủ, từng là phó tổng thống cho ông Barack Obama, đắc cử thì chúng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực như thế nào.

Trong vài năm qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt chính sách chống lại nền kinh tế Trung Quốc trên mọi mặt trận, từ thương mại, công nghệ cho đến đổ lỗi về dịch bệnh Covid-19. Nhà Trắng đã liên tục nhắm đến các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei hay những ứng dụng như Tiktok của Trung Quốc, qua đó làm gia tăng những xung đột thương mại.

Nếu đắc cử, ứng cử viên Biden sẽ phải giải quyết nốt thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Trung giai đoạn I đang còn dang dở do phía Trung Quốc chưa mua đủ hàng từ Mỹ theo thỏa thuận. Bản thân ông Biden cũng sẽ phải giải quyết những mối quan hệ thương mại tại Châu Á sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và làm xáo trộn mọi kế hoạch trước đó của người tiền nhiệm Obama.

Tổng thống Trump ký quyết định Mỹ rời TPP

Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, nhiều chính sách của Mỹ có thể sẽ không thay đổi nếu ứng viên Biden đắc cử. Ví dụ như quan điểm của ông Biden về Trung Quốc có phần giống với Tổng thống Trump hơn là mềm mỏng như người tiền nhiệm Obama trước đó. Qua những chính sách cam kết trong chiến dịch tranh cử, nhiều chuyên gia tin rằng đường lối cứng rắn với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Trump sẽ vẫn được tiếp tục kể cả khi vị này đắc cử.

Công nghệ và Trung Quốc

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên Biden đã tuyên bố rõ sẽ dẫn dắt nước Mỹ chiến thắng cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Ông Biden dẫn chứng việc Trung Quốc đã gia tăng đầu tư 30 lần cho khoa học và nghiên cứu trong khoảng 1991-2016, qua đó cam kết sẽ chi mạnh tay cho công nghệ nếu đắc cử.

Kế hoạch này của ứng viên Biden bao gồm khoản ngân sách 300 tỷ USD cho các công nghệ mới, từ xe điện cho đến vật liệu mới, công nghệ 5G hay trí thông minh nhân tạo, những lĩnh vực mà Trung Quốc đang bành trướng rất nhanh.

Dẫu vậy, cương lĩnh tranh cử của ông Biden không hề nói rõ liệu mình có tiếp tục trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc như dưới thời Tổng thống Trump hay không. Thế nhưng, những chuyên gia như cựu nhà ngoại giao Kurrt Campbell hay cố vấn Jake Sullivan của ứng viên Biden thì từng nêu rõ rằng Mỹ cần bảo vệ lợi thế công nghệ của mình trước sức ép đánh cắp bản quyền từ Trung Quốc.

Khảo sát của CSIS cho thấy nhiều chuyên gia Mỹ đồng tình việc cấm Huawei tham gia thị trường 5G tại đây

Theo đó, họ sẽ phải nhắm vào các ngành công nghiệp chính cũng như những mảng kinh tế quan trọng để bảo vệ lợi thế cho Mỹ. Đây là những điểm xung đột chính cho chiến tranh thương mại hiện nay giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cả 2 chuyên gia đều đồng ý chính sách hạn chế dòng chảy đầu tư công nghệ cũng như thương mại 2 chiều giữa Mỹ và Trung Quốc. Tất nhiên, 2 chuyên gia cho rằng Mỹ nên giới hạn có lựa chọn những mảng công nghệ quan trọng hơn là thắt chặt toàn bộ như hiện nay bởi chúng có thể đẩy nhiều quốc gia khác ngả về Trung Quốc.

Không riêng gì 2 chuyên gia trên, những cuộc khảo sát cũng cho thấy khả năng cao Mỹ sẽ giữ quan điểm cứng rắn với các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho thấy 71% số chuyên gia tin rằng Huawei và những công ty Trung Quốc khác nên bị cấm tham gia thị trường 5G của Mỹ. Hơn 50% số chuyên gia cho rằng Mỹ nên cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuyên gia Scott Kennedy của CSIS nhận định nếu ứng viên Biden đắc cử thì Mỹ có thể sẽ thực hiện một chính sách mềm dẻo, kết hợp giữa tạo áp lực và hợp tác hơn với Trung Quốc dù vẫn duy trì áp lực. Ông Biden có thể sẽ tiếp tục sử dụng những chiến thuật dưới thời Tổng thống Trump như giới hạn xuất khẩu hay hạn chế dòng chảy đầu tư với Trung Quốc nhưng theo cách mềm mỏng hơn để tạo áp lực.

"Mọi người phải hiểu rằng chính sách của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng từ những phản ứng của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục những chính sách họ đang làm như hiện nay với kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và dự án công nghệ 15 năm tới, họ sẽ nhận được những phản ứng vô cùng tiêu cực từ Mỹ", Chuyên gia Kannedy nhấn mạnh.

Thương mại

Ứng viên Biden đã từng tuyên bố sẽ hợp tác với những đồng minh của Mỹ để tạo áp lực lên Trung Quốc nhưng không nói rõ liệu có tiếp tục cuộc chiến thương mại như hiện nay không.

Trước đó, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Trump thúc đẩy đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng tỷ USD.

Số liệu của Viện kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) cho thấy bất chấp thỏa thuận thương mại song phương Mỹ-Trung giai đoạn I đã được tiến hành, mức thuế đặc biệt bình quân lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là 19.3%, cao gấp 6 lần so với thời kỳ trước chiến tranh thương mại. Trong khi đó, thuế đặc biệt bình quân của Trung Quốc lên hàng nhập khẩu Mỹ hiện là 20,3%.

Không dừng lại đó, Tổng thống Trump đã rút khỏi hàng loạt các hiệp định như TPP, thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran cùng nhiều hiệp định khác đã được ký dưới thời người tiền nhiệm Obama. Thậm chí Mỹ đã từng đe dọa sẽ rời khỏi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hay Tổ chức y tế thế giới (WHO).

"Tôi cho rằng chính quyền của ông Biden nếu đắc cử sẽ tập trung hơn vào vấn đề Trung Quốc hơn là những việc khác, đồng thời họ sẽ phối hợp với các đồng minh hơn. Ứng viên Biden sẽ khá cẩn thận với việc dùng các đòn đánh về thuế. Thế nhưng điều này không có nghĩa những hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức", Chuyên gia Edward Alden của Hội đồng quan hệ quốc tế (CFR) nhận định.

Theo ứng viên Biden, kế hoạch thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc của Tổng thống Trump là vô dụng bởi chúng chẳng cải thiện được sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước cũng như chống lại việc đánh cắp sở hữu trí tuệ. Thay vào đó, ông Biden cho rằng Mỹ nên hợp tác nhiều hơn với các đồng minh để tạo sức ép lên Trung Quốc.

Hiện hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đã là không tránh khỏi nhưng Nhà Trắng sẽ xử lý tình hình thế nào sẽ là chìa khóa để tạo ra thay đổi tích cực trong mối quan hệ giữa 2 bên.

Thuế đặc biệt lên hàng nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc

Giám đốc Clayton Dube của viện Mỹ-Trung thuộc đại học Southern California nhấn mạnh rằng cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc nên dựa trên những khuôn khổ thực tế hơn là tốn quá nhiều thời gian cho những ý tưởng viển vông, ví dụ như đòi chính quyền Bắc Kinh thay đổi các chính sách mang tính nhạy cảm.

Theo ông Dube, việc hợp tác với các đồng minh để cho thấy nếu không thay đổi, kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nhiều thiệt hại có thể làm chính quyền Bắc Kinh đồng ý với các điều khoản của Mỹ hơn là những cố gắng gượng ép hiện nay.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ứng viên Biden nếu đắc cử sẽ thay đổi ngay các chính sách về thuế hay tham gia lại TPP. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden hầu như không nhắc nhiều về TPP. Thay vào đó, vị này cho rằng nên tập trung đầu tư kinh tế trong nước trước rồi mới giải quyết các thỏa thuận thương mại lớn.

Bên cạnh đó, Chuyên gia Wendy Cutler của Viện chính sách xã hội Châu Á (ASPI) cho rằng Ứng viên Biden nếu đắc cử sẽ phải xây dựng lại lòng tin tại Châu Á cũng như thể hiện thiện chí Mỹ muốn gia tăng thương mại trong khu vực này.

Mặc dù vậy, Ứng viên Biden cũng cho rằng thay vì Thuê ngoài (Outsource), Mỹ có thể đưa một số chuỗi cung ứng thiết yếu trở lại trong nước, ví dụ như các nhà máy sản xuất thiết bị y tế, để đảm bảo người dân có đủ hàng hóa khi cần thiết.

AB

Theo Tổ Quốc/Tổng hợp

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Nikkei, Kinh tế Châu Á, Joe Biden, Tổng thống Mỹ