Những "kiếp nạn" của ông Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng

"Không chịu thua" - đó chính xác là cách ông Trump đương đầu với những sóng gió và đạt được những thành tựu ấn tượng trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên.

Trong cuốn sách "Trump Never Give Up: How I Turned My Biggest Challenges into Success" (tựa đề tiếng Việt: D. Trump - Đừng Bao giờ Bỏ cuộc) do chính Tổng thống Mỹ đứng tên tác giả khi còn là một doanh nhân, ông Trump đã kết luận: "Khó khăn là một phần tất yếu của cuộc sống. Ngày nào bạn còn tỉnh dậy, bạn sẽ còn phải đối mặt với những nghịch cảnh."

Là một doanh nhân kỳ cựu trước khi dấn thân vào chính trường, ông Trump đã nếm trải những thành công ngọt ngào và cả những thất bại đắng cay. Những kinh nghiệm này đã biến ông thành một người am tường việc chuyển bại thành thắng, luôn sẵn sàng đối mặt và thậm chí là đi trước để "đón đầu" khó khăn.

Khi sự nghiệp bước sang trang, ông Trump đã mang theo tinh thần lạc quan ấy vào Nhà Trắng, và chính nhờ vậy, ông đã vượt qua hàng loạt "kiếp nạn" trong 4 năm làm người đứng đầu nước Mỹ.

Cuộc sống trong Nhà Trắng của ông Trump không hề dễ dàng. Sau chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ nặng ký Hillary Clinton, ông Trump đã phải đối diện với những lời đồn đoán và cáo buộc xoay quanh vấn đề "Nga can thiệp bầu cử Mỹ" để giúp ông đắc cử. Ngay từ trước khi nhậm chức, ông Trump đã bị điều tra. Cơ quan tình báo Mỹ đã điều người theo dõi các nhân viên của ông Trump, xác định mối quan hệ của ông với Nga, và đỉnh điểm là lập một nhóm điều tra chuyên trách với sự điều hành của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller - Cựu giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Cuộc điều tra đã phủ bóng suốt 22 tháng đầu nắm quyền của ông Trump, làm dấy lên nhiều nghi ngại, tranh cãi, bất đồng trong chính phủ Mỹ cũng như đặt ra dấu hỏi lớn về tính minh bạch, chính trực, xác đáng của kết quả bầu cử Mỹ hồi năm 2016. Các giả thuyết đặt ra cáo buộc đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ; trong khi đó, các thành viên cấp cao trong đội ngũ thân cận thuộc chiến dịch tranh cử của ông Trump đã duy trì mối quan hệ thân cận với gián điệp và các nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng lớn của Nga. Trang web WikiLeaks cũng lọt vào tầm ngắm của cuộc điều tra và bị cho là tổ chức đã hỗ trợ tình báo Nga trong quá trình can thiệp bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, cuối cùng, ông Trump đã được "minh oan". Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp William Barr khẳng định cuộc điều tra của Công tố viên Mueller không phát hiện bằng chứng cho thấy chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga. Ngoài ra, ông Mueller cũng không đưa ra được bằng chứng về việc ông Trump cản trở công lý hay vi phạm pháp luật khi can thiệp vào hàng loạt cuộc điều tra liên quan đến bầu cử năm 2016. Cuộc điều tra cũng không đưa ra khuyến nghị thêm bất kỳ cáo trạng nào khác, chỉ đi tới kết luận rằng không ai trong đội ngũ tranh cử của ông Trump "âm mưu hoặc phối hợp với chính phủ Nga dù có nhiều đề nghị từ các cá nhân có liên hệ với Nga nhằm giúp họ".

Nhà Trắng khẳng định rằng bản báo cáo của ông Mueller là "sự minh oan hoàn toàn cho Tổng thống Mỹ".

Tuy thoát khỏi cáo buộc liên quan tới Nga, nhưng sóng gió này mới chỉ là bắt đầu cho hàng loạt những rắc rối sau đó mà ông Trump phải đương đầu.

Sau khi Tổng thống Trump sa thải giám đốc FBI James Comey hồi tháng 5/2017, cuộc điều tra về việc ông Trump cản trở công lý đã được tiến hành song song với điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Trong báo cáo của mình, ông Mueller kết luận rằng không tìm thấy bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga, tuy nhiên có những sự việc liên quan có thể cấu thành tội cản trở công lý. Ví dụ, hồi tháng 6/2017, ông Trump nói với quyền Bộ trưởng Tư pháp lúc đó rằng ông Mueller có "xung đột lợi ích" và cần phải bị cách chức.

Tuy vậy, những lùm xùm này mới chỉ là cơn gió thoáng qua trong cơn bão luận tội. Ngày 24/9/2019, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump.

Ngày 31/10/2019, Hạ viện bỏ phiếu và thiết lập thành công các thủ tục điều trần công khai với tỷ lệ phiếu thuận/phiếu chống là 232-196. Sau hàng loạt phiên điều trần, ngày 18/12/2019, Hạ viện đã bỏ phiếu để luận tội ông Trump vì 2 hành vi là lạm quyền và cản trở công lý.

Đối với tội danh lạm dụng quyền lực, ông Trump được cho là đã cùng luật sư cá nhân Rudy Giuliani liên tục thúc ép chính phủ Ukraine điều tra Hunter Biden - con trai của ứng cử viên tổng thống năm 2020 Joe Biden. Cáo buộc cho rằng ông Trump đã chủ động giữ lại một khoản viện trợ quân sự đã cam kết cho Ukraine để ép nước này điều tra Hunter Biden. Tại Thượng viện, các nghị sĩ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 52-48 quyết định trắng án cho Tổng thống Trump. Toàn bộ thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu luận tội ông Trump, trong khi phía đảng Cộng hòa chủ chỉ có duy nhất thượng nghị sĩ Mitt Romney bỏ phiếu luận tội tổng thống.

Với tội danh cản trở pháp luật, ông Trump bị cáo buộc cản trở Hạ viện triệu tập nhân chứng và thu thập tài liệu, ngăn cản cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller. Ông Trump tiếp tục trắng án với tỷ lệ 53 phiếu thuận - 47 phiếu chống. Tất cả thượng nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu luận tội và toàn bộ thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu trắng án.

Cuộc luận tội đã khiến ông Trump trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị xét xử tại Thượng viện, nhưng cũng là tổng thống thứ 3 được tha bổng. Ngày 5/2, Thượng viện chính thức tuyên bố trắng án cho tổng thống Donald Trump. Phản ứng trước thông tin này, ông Trump đăng lên Twitter cá nhân một đoạn video với dòng chữ "Trump 4EVA", ám chỉ rằng ông có tham vọng làm tổng thống trọn đời. Trong bài phát biểu ăn mừng sau khi trắng án, ông Trump vừa giơ tờ báo Washington Post với trang bìa "Tổng thống Trump được tuyên bố vô tội" vừa nói: "Trong cuộc đời này, tôi đã từng làm những việc sai trái, tôi thừa nhận. Nhưng đây là kết quả cuối cùng!". Ông Trump còn nói đùa rằng sẽ đóng khung bài báo này và treo tại phòng làm việc.

Chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump có lẽ sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu không có cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên đại dịch COVID-19...

Ngày 22/1, vào thời điểm nước Mỹ chỉ mới ghi nhận một ca mắc COVID-19 ở bang Washington, Tổng thống Trump đã khẳng định rằng nước Mỹ vẫn ổn và "hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh".

Lúc này, chính quyền ông Trump đã không thực hiện những bước quan trọng để chuẩn bị cho đại dịch như dự trữ trang thiết bị y tế, tăng cường xét nghiệm và ban bố những cảnh báo khẩn cấp.

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do đại dịch COVID-19, thì đến ngày 10/2, trước hàng ngàn người ủng hộ tại cuộc mít-tinh ở New Hampshire, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố rằng dịch COVID-19 sẽ "biến mất một cách kỳ diệu" vào tháng 4, khi thời tiết ấm lên.

Phản ứng sau đó của Mỹ dường như đã quá muộn: Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này từ mức 3 chữ số nhanh chóng nhảy vọt lên mức 5, 6 chữ số. Hiện nay Mỹ đã xác nhận tổng cộng hơn 8,8 triệu ca nhiễm và hơn 230.000 ca tử vong do dịch bệnh này.

Kéo theo đó là một nền kinh tế suy yếu khiến nước Mỹ không thể lựa chọn đóng cửa dù cho tình hình dịch bệnh chưa được khống chế.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã cải thiện nhanh hơn so với dự đoán của một số người sau khi tái mở cửa, nhưng đà hồi phục này lại không đồng đều và thậm chí đang có dấu hiệu chững lại, trong khi gói cứu trợ khẩn cấp của chính phủ đang dần cạn kiệt và chưa rõ liệu chính quyền ông Trump có tung ra gói cứu trợ mới hay không.

Ngày 22/9, trước việc Mỹ vượt mốc 200.000 ca tử vong do COVID-19, Tổng thống Trump đã thừa nhận rằng đó là điều "rất đáng xấu hổ", và cho biết tình hình dịch bệnh có thể tồi tệ hơn nếu "chúng ta không làm việc một cách đúng đắn và chính xác". Đồng thời, ông Trump cũng tiếp tục đổ lỗi cho Trung Quốc như ông từng làm nhiều lần trước đó.

Khi cuộc tranh cử bước vào giai đoạn nước rút, Tổng thống Trump lại khiến Nhà Trắng hỗn loạn khi chính ông và phu nhân Melania Trump bị nhiễm COVID-19.

COVID-19 đã trở thành một "vũ khí" trong tay đảng Dân chủ. Càng sát ngày bầu cử chính thức, phe Dân chủ, đặc biệt là đối thủ Joe Biden, lại càng công kích ông Trump mạnh mẽ hơn trong vấn đề xử lý đại dịch. Trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành trên đất Mỹ, điều này được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tái đắc cử của đương kim Tổng thống Mỹ.

Bất chấp những "tảng đá ngáng đường", ông Trump vẫn luôn duy trì được một tỷ lệ ủng hộ khá cao nhờ những dấu ấn trong nhiều lĩnh vực.

Trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 2/2020, trước khi COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump đã rất tự hào tuyên bố: "Nền kinh tế của chúng ta đang ở trong trạng thái tốt nhất từ trước tới nay. Quân đội của chúng ta đã được xây dựng lại toàn bộ, với một sức mạnh trên thế giới không ai sánh bằng. Biên giới của nước ta an toàn, các gia đình phát đạt, các giá trị của chúng ta được đổi mới, và niềm tự tôn dân tộc được khôi phục".

Theo đó, kể từ ngày ông Trump nhậm chức, đã có hơn 6 triệu việc làm mới được tạo ra, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm và mức lương trung bình tăng hơn 3% trong vòng 10 tháng liên tiếp. Các thị trường chứng khoán của Mỹ cũng lập kỷ lục khi tăng 70% và đóng góp hơn 12.000 tỉ USD vào tài sản quốc gia, trong khi các công ty dần quay trở lại với nước Mỹ.

Tất cả những kết quả tích cực này, theo lời ông Trump, là nhờ vào các chính sách cắt giảm thuế, cắt giảm các quy định tiêu cực và việc ông không ngừng đấu tranh cho các hiệp định thương mại công bằng.

"Tôi yêu nước Mỹ. Và khi bạn yêu điều gì đó, bạn sẽ hết lòng bảo vệ nó" - ông Trump đã khẳng định như vậy trong cuốn sách "Đã Đến Lúc Phải Cứng rắn Để Khôi phục Sự Vĩ đại của Nước Mỹ".

Thực tế, kể từ sau ngày nhậm chức đến nay, ông Trump cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm tái thiết và hiện đại hóa quân đội Mỹ để phù hợp với những nhu cầu an ninh trong thế kỷ 21, như gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực quân sự, thành lập Lực lượng Không gian Mỹ; hay trao thêm quyền quyết định cho Bộ trưởng Quốc phòng cùng các chỉ huy quân đội...

Đối với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, luật pháp... Tổng thống Trump cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Có thể nói rằng nước Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội, và điều gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa là những dấu ấn "khó quên" của ông Trump trên chính trường quốc tế.

"Một vị tổng thống thực thụ có thể biến nước Mỹ thành tiền bằng cách thương thảo những thỏa thuận lớn. [...] Ông ta là nhà thương thuyết và đàm phán tối cao của Mỹ. Ông ta phải đàm phán với các quốc gia khác để có được những thỏa thuận bảo vệ và có lợi cho chúng ta", đó là nhận định của ông Trump trong cuốn sách "Đã Đến Lúc Phải Cứng rắn Để Khôi phục Sự Vĩ đại của Nước Mỹ" về vai trò của nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong vòng 4 năm qua, ông Trump - trong vai trò "nhà đàm phán tối cao" của nước Mỹ - cũng đã ghi được những dấu ấn rất đáng chú ý trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt có thể kể đến vấn đề Triều Tiên, hòa giải Trung Đông, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy hình thành Bộ Tứ Kim cương (nhóm Quad), gây sức ép với nhóm NATO, thiết lập hàng loạt các thỏa thuận thương mại với các quốc gia trên thế giới và khởi động cuộc chiến tranh thương mại lớn chưa từng thấy với Trung Quốc.

Triều Tiên là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời kỳ cầm quyền của ông Trump. Nói về mối quan hệ Mỹ - Triều, ông Trump từng phát biểu: "Chiến tranh có thể đã xảy ra nếu tổng thống Mỹ hiện tại là Hillary Clinton. Và chiến tranh cũng đã xảy ra nếu ông Obama được nắm quyền lâu hơn". Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã từng có giai đoạn liên tục "khẩu chiến", chỉ trích và lên án động thái của đối phương.

Tuy nhiên, như "một bộ phim giả tưởng" (theo lời ông Kim Jong Un), ông Trump và ông Kim đã dần dần thay đổi chiến lược đối ngoại, bắt đầu nối lại các vòng đàm phán song phương và dẫn tới kết quả không ngờ là thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử tại Singapore, tiếp nối sau đó là thượng đỉnh tại Hà Nội và cuộc gặp lần thứ 3 tại Bàn Môn Điếm thuộc khu vực Phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và liên tục duy trì "tình bạn tốt đẹp" với ông Kim Jong Un.

Các chuyên gia cho rằng, nếu tái đắc cử, rất có khả năng sẽ có một thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3, và lần này ông Trump sẽ đạt được những thỏa thuận đáng kể để giải quyết vấn đề bán đảo liên Triều.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được ông Trump lần đầu tiên công bố vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Chiến lược này được xây dựng dựa trên một số trụ cột chính, trong đó, Biển Đông được xem là thành tố quan trọng. Với chiến lược này, Mỹ hướng tới mục tiêu tăng cường hiện diện quân sự, hỗ trợ các nước khu vực cải thiện năng lực hàng hải và tiến hành thường xuyên các hoạt động tự do hàng hải.

Nói về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Trump từng tuyên bố đây là "khu vực mà các quốc gia độc lập và có chủ quyền - với các nền văn hóa đa dạng và giấc mơ khác nhau, cùng phát triển thịnh vượng - hướng tới tự do và hòa bình". Đây được xem như một trong những chiến lược then chốt trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Trung Đông là một trong những điểm nóng trên thế giới chứng kiến tầm ảnh hưởng lớn của Mỹ dưới thời ông Trump. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần "chấn động" vì các quyết định lớn của ông Trump, bao gồm rút hết lính Mỹ khỏi Syria, ra lệnh tấn công tên lửa Syria ngay trong lúc gặp mặt ông Tập Cận Bình, ám sát tướng Iran Qasem Soleimani ở sân bay Baghdad, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), liên tục áp đặt các cấm vận mới với Iran, tuyên bố Jerusalem là lãnh thổ của Israel và mới đây nhất là đóng vai trò trung gian hòa giải các quốc gia có mâu thuẫn sâu sắc.

Trong vòng gần 1 tháng, với sự trung gian hòa giải của chính quyền ông Donald Trump, đã có 3 bản thỏa thuận hòa bình quan trọng được ký kết. Đó là các bản thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE (13/8); bản thỏa thuận giữa Serbia và Kosovo (5/9) và bản thỏa thuận giữa Israel-Bahrain (11/9).

Theo đánh giá, việc Israel đặt bút ký thỏa thuận hòa bình với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain là một sự kiện tầm cỡ của lịch sử ngành ngoại giao Mỹ. Động thái này cho thấy những chuyển dịch trong quan hệ địa chính trị ở Trung Đông, chứng tỏ các nước Ả Rập đang xích lại gần hơn với Israel mặc dù vẫn vấp phải phản đối từ Palestine.

"Bộ Tứ Kim Cương" (nhóm QUAD) ra đời năm 2007 với 4 quốc gia thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ với mục đích thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Sau 10 năm gián đoạn, thời gian gần đây, dưới thời ông Trump, nhóm QUAD đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên và nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Không chỉ kết hợp để tạo thành một liên minh quân sự kiểu "NATO Châu Á", nhóm này còn thúc đẩy hợp tác đa phương về mặt kinh tế. Đáng chú ý, ngày 20/3, nhóm QUAD đã mời thêm 3 quốc gia gồm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng thảo luận.

Sau hai cuộc gặp đầu tiên, dù chưa đi tới những kết quả mang tính bước ngoặt, nhưng các bộ trưởng QUAD vẫn tiếp tục đặt nền tảng cho đối thoại trong tương lai về việc định hình khuôn khổ hợp tác này. Nếu tái đắc cử, ông Trump và Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến định hình và củng cố mô hình nhóm QUAD trong những năm tới.

Nhắc tới nhiệm kỳ của ông Trump, không thể không nhắc tới cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trong vài năm qua. Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 22/3/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ vì những vấn đề liên quan tới hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ.

Đáp trả hành động này, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu 15-25% với 128 loại hàng hóa và hủy các đơn hàng đậu nành Mỹ. Vào thời kì mâu thuẫn đỉnh điểm trong năm 2019, ông Trump đã áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và tiếp tục đe dọa nâng mức thuế lên 25%. Thậm chí, ông Trump còn tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa bổ sung trị giá 325 tỷ USD nếu Bắc Kinh đáp trả.

Sau nhiều vòng đàm phán giữa Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lưu Hạc và phái đoàn của ông Trump, cuộc thương chiến đã từng bước giảm nhiệt. Tới đầu năm nay, Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" giai đoạn 1, trong đó Trung Quốc sẽ đảm bảo mua 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới, bao gồm các mặt hàng sản xuất, nông sản, năng lượng và dịch vụ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và đại dịch COVID-19, các số liệu cho thấy tới thời điểm này Trung Quốc mới chỉ hoàn thành 50% mục tiêu mua hàng hóa nông nghiệp Mỹ trong năm 2020, trong khi những ngành khác lượng mua còn thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra.

Một số ý kiến cho rằng những động thái mạnh tay của ông Trump khi đánh thuế Trung Quốc đã khiến nhiều ngành nghề và người dân Mỹ chịu thiệt hại, tuy nhiên mặt khác đã giúp đảm bảo tính công bằng trong các giao dịch thương mại và về lâu dài tạo ra lợi ích rõ ràng cho việc làm và thu nhập của người Mỹ.

Chặng đường 4 năm lãnh đạo nước Mỹ của Tổng thống Trump quả thực không hề êm đềm, cũng giống như điều ông đã từng nhiều lần trải nghiệm trên cương vị là một doanh nhân. "Có những ngày rắc rối cứ liên tục ập xuống đầu tôi, giống như một cuộc ‘tổng tấn công’ vậy. Nhưng tôi không chịu thua, và bạn cũng nên giữ thái độ đó!" - ông Trump đưa ra lời khuyên trong cuốn "Đừng Bao giờ Bỏ cuộc".

"Không chịu thua" - đó chính xác là cách ông Trump đương đầu với những sóng gió và đạt được những thành tựu ấn tượng trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, tạo nên một dấu ấn khác biệt trong lịch sử chính trị Mỹ và trên chính trường thế giới.

 

Tất Đạt-Hồng Anh

Tri thức trẻ

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Donald Trump, Nhà Trắng