Không để thiếu hàng, sốt giá sau bão và dịp cuối năm

Bằng mọi cách đảm bảo cung cầu hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp sau bão và cuối năm là nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai.

Cung cầu hàng hóa cơ bản được đảm bảo

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10 diễn ra sáng 30/10, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, tháng 10, thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của yếu tố thời tiết. Cụ thể, tình hình bão lũ ở miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hoạt động mua bán hàng hóa tại một số địa bàn bị gián đoạn, giá một số mặt hàng tăng cục bộ. Tuy nhiên, theo các chương trình thiện nguyện và việc đảm bảo dự trữ hàng hóa mùa mưa bão được thực hiện nghiêm túc nên người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ vẫn cơ bản được cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu.

4308-binh-on-thi-truong
Đảm bảo ổn định cung cầu và giá cả hàng hóa

Bên cạnh đó, do đang vào dịp cuối năm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết cũng bắt đầu sôi động, nhiều chương trình kết nối cung cầu được triển khai để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc sản vùng miền, tạo nguồn hàng bình ổn phục vụ thị trường. Do đó, nhìn chung, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có quá nhiều biến động lớn.

Tuy nhiên, lợn hơi là một trong số mặt hàng thiết yếu đang có sự tăng giá nhẹ 1.000 - 3.000 đồng/kg những ngày gần đây, sau một thời gian điều hành bằng các giải pháp tương đối mạnh, đưa giá về dưới 60.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Vân Hương - Trưởng phòng Thị trường trong nước - Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải nguyên nhân, hiện công tác tái đàn lợn đang chững lại khi dịch tả lợn châu Phi quay trở lại một số địa phương. Bên cạnh đó, tình hình mưa bão ở một số địa phương cũng ảnh hưởng đến sản lượng chăn nuôi lợn nói riêng và các loại gia súc nói chung, khiến giá thịt lợn hơi nhích nhẹ.

Để góp phần ổn định thị trường và giá cả hàng hóa, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động tích cực. Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp kế hoạch tài chính - Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thực hiện công điện của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã có công văn chỉ đạo 7 Cục QLTT miền Trung về việc tập trung ứng phó, đảm bảo hoạt động trong thời gian mưa lũ. Các đơn vị ở các địa phương có thiên tai đã vào cuộc kịp thời, phân công lãnh đạo bố trí trực chiến, đảm bảo ứng phó với tình huống xấu xảy ra, góp phần ổn định thị trường.

Theo đó, lực lượng QLTT đã bám sát địa bàn, tập trung kiểm tra kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm về tăng giá hàng hóa dịch vụ, thu gom tích trữ hàng hóa để chờ thời cơ tăng giá. Tổng cục cũng yêu cầu 7 địa phương định kỳ báo cáo về Tổng cục tình hình thị trường hàng hóa trước 16h hàng ngày. Đến nay, qua báo cáo của các địa phương, lượng hàng hóa cơ bản đảm bảo phục vụ, ứng phó bão lũ. “Các hộ kinh doanh đã bắt đầu hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu nhân dân. Hàng hóa trong siêu thị, chợ đảm bảo cung ứng phục vụ người dân. Nhiều địa phương không phát hiện ra vi phạm lớn, cho thấy lực lượng QLTT địa phương đã hoạt động hiệu quả, góp phần ổn định thị trường” - ông Nguyễn Quang Huy cho biết.

Kiểm soát chặt thị trường, đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa

Bằng mọi giải pháp ổn định thị trường và giá cả hàng hóa trong thời gian tới, đặc biệt là ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung trong dịp lễ Tết cuối năm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tích cực triển khai. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, cần quan tâm lớn đến mặt hàng thịt lợn, đặc biệt là khả năng bùng phát dịch tả lợn châu Phi nếu ta không kiểm soát tốt.

“Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh đưa hàng hóa, đặc biệt là nông sản đến các địa phương có sức mua lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, góp phần bình ổn giá cả, giúp hàng hóa lưu thông tốt hơn. Từ nay đến cuối năm, đây là hoạt động tiếp tục thực hiện mạnh” - ông Trần Duy Đông nêu rõ.

Với các mặt hàng cụ thể, theo đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, sắp tới, nhu cầu với các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép sẽ tăng cao sau bão lũ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm, ngành thép bị ảnh hưởng khi nhu cầu sử dụng thấp đi nên giá giảm. Để giữ thị phần, dù giá nguyên liệu trên thế giới có tăng nhưng giá bán thép xây dựng không tăng. Do đó, khi nhu cầu trong nước tăng lên, mặt hàng thép vẫn đảm bảo nhu cầu với giá cả ổn định.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý thị trường. Ông Trần Quang Huy cho hay, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường giai đoạn trước, trong và sau tết, tập trung các mặt hàng như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm tươi sống, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống dịch. Vừa qua, các địa phương đã phối hợp ngăn chặn các vi phạm khu vực biên giới, thực hiện kiểm tra kiểm soát thị trường đầy đủ, góp phần quan trọng ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

“Cục QLTT Đồng Nai vừa bắt giữ một lượng lớn cá hồi không rõ nguồn gốc xuất xứ chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Các địa phương cũng bắt giữ vài nghìn bao thuốc lá lậu. Riêng bán hàng qua mạng, Cục Nghiệp vụ và Tổ 368 đã hoạt động hiệu quả, hỗ trợ xử lý các vụ lớn, góp phần bình ổn thị trường dịp Tết” - ông Huy thông tin.

Theo Phương Lan (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : thiếu hàng, sốt giá, sau bão, dịp cuối năm