Viện trưởng IAS: Cần vài chục công ty như Vingroup, Viettel... mới đủ sức nâng tầm kinh tế Việt Nam
“Samsung là một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đã rút hết nhà máy ở Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, và rất thành công. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các công ty lớn khác trên thế giới. Họ sẽ phải nhìn nhận Việt Nam như một thị trường đầu tư đầy tiềm năng”, PGS.TS Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (VIAS) chia sẻ.
Vấn đề nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc chuyển tới Việt Nam thời gian qua rất được chú ý. Khi ông Biden đắc cử, nhiều người lo ngại, làn sóng này sẽ chậm lại, do chính sách của tân Tổng thống Mỹ có thể hòa hoãn hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Ông có đánh giá gì về điều đó?
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay là một quy luật tất yếu trong quan hệ quốc tế. Giữa một cường quốc đang lên và cường quốc thách thức lại cường quốc đang lên đó, cạnh tranh chiến lược (bao gồm chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế…) là khó tránh.
Nếu quản lý không khéo, nó có thể dẫn đến sự đối đầu giống như chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Thậm chí, một số học giả còn cho rằng, chiến tranh thế giới lần thứ ba, hay đối đầu Mỹ - Trung là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mọi thứ chưa tới mức ấy.
Hiện nay, Trung Quốc bắt đầu thể hiện rất rõ tham muốn vọng kiểm soát, gây ảnh hưởng ở khu vực châu Á. Và người Mỹ cho rằng, “sự trỗi dậy” của Trung Quốc đang là mối đe dọa lớn đối với họ. Để bảo vệ lợi ích của mình, của quốc gia dân tộc, người dân Mỹ và các tầng lớp chính trị khác nhau đều thống nhất ủng hộ chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Dưới thời ông Biden, thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thể dừng lại, nhưng sẽ chuyển sang dạng “chính thống” hơn, tức là một phiên bản 2.0, khi ông Biden (vốn là một người chuẩn tắc và tôn trọng luật pháp quốc tế) sẽ không sử dụng những biện pháp gây sốc hoặc có tính áp đặt mạnh như ông Donal Trump.
Ông ấy có thể sẽ dựa theo các tiêu chuẩn chung quốc tế để buộc Trung Quốc chơi theo luật chung, xoay quanh các vấn đề môi trường, an ninh, quyền con người… Nếu Trung Quốc không thực hiện, Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại.
Nhìn một cách tổng quát, chiến lược thương mại của Mỹ với Trung Quốc dưới thời ông Biden, về cơ bản vẫn sẽ đi theo con đường mà ông Trump đã theo đuổi.
Khi đó, xu hướng dịch chuyển đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn. Và tôi không nghĩ rằng, xu thế này sẽ thay đổi nhiều dưới thời ông Biden. Bởi vì căng thẳng Mỹ - Trung cũng chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến sự tái cấu trúc đó.
Hiện nay, không chỉ công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc, mà các công ty của các nước khác như Nhật Bản, châu Âu… cũng đang chuyển đi. Họ chuyển đi vì nhìn thấy rủi ro khi đặt hết vốn vào một thị trường. Họ thấy cần thiết phải điều chỉnh nguồn vốn ra bớt khỏi Trung Quốc, vì thị trường Trung Quốc thời gian qua có rất nhiều rủi ro, chứ không chỉ vì chiến tranh thương mại .
Có thể khi ông Biden lên, người ta có niềm tin nào đó rằng xu hướng này sẽ giảm, nhờ vào mối quan hệ Mỹ - Trung tuy căng thẳng, nhưng sẽ ổn định hơn. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, căng thẳng Mỹ - Trung về mặt thương mại, vẫn sẽ là một biến số chính, và xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, tái cấu trúc của các doanh nghiệp đa quốc gia vẫn sẽ giữ thế chủ đạo.
Nếu làn sóng đó vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ như vậy, Việt Nam có cơ hội trở thành phân xưởng của thế giới như nhiều người đang kỳ vọng?
Nhiều nhà đầu tư đã nhìn nhận Việt Nam là đối tác quan trọng, bởi vì dù sao 90 triệu dân thì quy mô thị trường cũng không hề nhỏ. Nước ta lại có mức tiền lương người lao động vừa phải, lao động được doanh nghiệp nước ngoài đánh giá thông minh, chăm chỉ. Đây là những lợi thế để họ đầu tư vào xây dựng các nhà máy.
Nếu chúng ta khai thác, tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể thu hút những công ty lớn, các công ty công nghệ cao, làm cho nền kinh tế nước ta thay đổi cơ cấu rất nhanh.
Bởi vì khi chúng ta làm cho công ty nước ngoài, chính là quá trình vừa kiếm tiền, vừa học hỏi. Các công ty đầu tư sang đây phải đem theo máy móc, thiết bị, công nghệ, rồi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phải tập huấn, đào tạo cho công nhân. Việt Nam nhân cơ hội này, hoàn toàn có thể đặt mục tiêu trở thành một phân xưởng lớn của thế giới.
Thực tế, Trung Quốc phát triển công nghệ rất nhanh, cũng nhờ quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, họ học hỏi công nghệ đó rồi tự làm chủ để phát triển. Nước nào cũng phải trải qua giai đoạn đi làm thuê và học hỏi như thế. Còn nếu muốn phát triển theo kiểu cử người đi học để đem công nghệ về thì rõ ràng, chúng ta đã không thành công từ xưa tới nay rồi.
Nhiều công ty lớn đang rất thành công ở Việt Nam như Samsung. Họ đã rút hết công ty tại Trung Quốc và chuyển toàn bộ sang Việt Nam. Như vậy, họ đã nhìn nhận, khi thị trường Trung Quốc mất dần lợi thế, Việt Nam sẽ là làn sóng tiếp theo. Samsung là một trong những công ty hàng đầu thế giới về công nghệ, nên thành công của họ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các công ty lớn khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong việc thu hút doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc, chúng ta cũng cần kiểm soát công nghệ, tránh công nghệ lạc hậu, công nghệ thải được chuyển sang Việt Nam làm ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn như thế, ông đánh giá gì về việc nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay đang hướng vào thị trường Mỹ, ví dụ như VinFast , Trường Hải… Chúng ta sẽ có thể kỳ vọng điều gì?
Một số doanh nghiệp như VinFast, Trường Hải… muốn đưa sản phẩm sang Mỹ, điều đó rất tốt vì đó là thị trường có quy mô lớn, lợi nhuận cao. Nhìn nhận trong thời gian gần đây, hàng điện tử là lĩnh vực Việt Nam xuất khẩu mạnh mẽ sang Mỹ và xu hướng trong thời gan sắp tới chắc chắn sẽ vẫn là như vậy. Vì đây là ngành có giá trị gia tăng cao.
Nếu các doanh nghiệp như VinFast thành công ở Mỹ, họ có thể đi ra nhiều nơi khác trên thế giới và là bước tiến rất lớn của ngành công nghiệp chế tạo cũng như những doanh nhân Việt trên thị trường thế giới.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt dù sao cũng có ưu thế về mặt giá cả, vì giá thành lao động ở nước ta cũng thấp hơn so với các nước khác. Nhưng với Mỹ thì giá thành lại không phải vấn đề mà chất lượng, uy tín mới là quan trọng.
VinFast muốn chinh phục thị trường Mỹ, sẽ cần tạo dựng một lộ trình dài để gây dựng uy tín của mình, khi đó mới có thể bán hàng, chứ thời gian đầu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ một số công ty Việt muốn đầu tư vào Mỹ lúc này, có thể vẫn đang thăm dò và có tính chất là chiến lược về lâu dài, chứ hiện nay thì cũng hơi khó cạnh tranh.
Tất nhiên, tôi luôn đánh giá rất cao sự quyết tâm, tinh thần kinh doanh tiên phong quyết liệt của Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng. Không ai nghĩ Vingroup có thể chế tạo ô tô ở Việt Nam, và bán với giá chẳng kém gì các hãng khác nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng cuối cùng, họ đã làm được. Giờ VinFast lại muốn đưa ô tô đi Mỹ thì đó vẫn là sự tiên phong đáng nể.
Chính phủ cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp, chẳng hạn như việc Vingroup tham gia xây dựng các dự án đầu tư công, cũng là cách để tích lũy thêm, cũng là một cách Chính phủ giúp các công ty lớn mạnh hơn, và trở thành đầu tàu kinh tế.
Sự bứt phá vươn lên của Vingroup, Viettel, Vinamilk, Trường Hải… đang làm cho hình ảnh kinh tế Việt Nam nâng cao. Đó là bước tiến rất lớn. Nhưng chúng ta cũng cần có khoảng chục hoặc vài chục công ty lớn như thế mới đủ sức nâng tầm kinh tế Việt Nam hơn, giúp bước tiến ra nước ngoài, trong đó có Mỹ của các doanh nghiệp Việt thuận lợi hơn.
Nhiều người kỳ vọng, dưới thời ông Biden, Hiệp định TPP sẽ “sống lại”, và nếu Việt Nam có thể tham gia, đó sẽ là cơ hội rất lớn, kéo gần “giấc mơ Mỹ” cho rất nhiều doanh nghiệp Việt. Ông có nhận định gì?
Muốn TPP “sống lại” như xưa là điều rất khó, nhưng ý tưởng người Mỹ sẽ can dự vào kinh tế châu Á nhiều hơn thì tôi nghĩ là có thể. Bởi vì dù sao, TPP trước đây cũng nằm trong ý đồ chiến lược của Mỹ, tức là muốn thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực.
Dưới thời ông Donal Trump, ông đã rút Mỹ khỏi TPP vì quan điểm “nước Mỹ là trên hết”, mà nước Mỹ lại đang thua thiệt rất nhiều khi có Hiệp định TPP.
Nhưng cơ bản các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ trước đây, khi thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại với nước khác, họ không chỉ nhằm vào kinh tế, mà còn muốn thúc đẩy quan hệ chính trị bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại.
Tôi nghĩ rằng, khi ông Biden lên thì tư tưởng đó có thể sống lại. Lúc đó, hiệp định quy mô lớn như TPP trước đây (bao gồm châu Á – Thái Bình Dương và cả các nước Mỹ la tinh) có thể không có, nhưng sẽ có các hiệp định quy mô nhỏ ở cấp khu vực, hoặc có thể chỉ là các hiệp định thương mại song phương.
Trung Quốc đang gây ảnh hưởng rất mạnh về mặt chính trị, kinh tế ở khắp nơi tại châu Á, qua đó đã giành được sự ủng hộ và kiểm soát các nước trong khu vực. Nếu như Mỹ không làm gì, Trung Quốc rất có thể sẽ lôi kéo sự ủng hộ của nhiều nước đồng minh.
Khi ông Biden lên nắm quyền, sẽ phải tính toán lại những vấn đề đó.
Cơ hội cho Việt Nam thì tôi nghĩ trước tiên vẫn là hiệp định thương mại song phương. Đây là vấn đề chúng ta đã bàn nhiều, dưới thời ông Donal Trump cũng đã nhiều lần nói lại nhưng tới nay vẫn chưa triển khai được.
Nếu ông Biden và chính quyền của ông nhìn nhận vấn đề ảnh hưởng của nước Mỹ một cách quyết liệt hơn thì chắc chắn, hai bên rất cần phải triển khai ý tưởng ấy. Giống như ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã nói: Việt Nam là đối tác cơ bản hay nói cách khác là đối tác chính của Mỹ tại khu vực châu Á.
Tôi nghĩ, khi nước họ đặt vấn đề Việt Nam có vai trò rất quan trọng như thế, chuyện có thể thúc đẩy quan hệ thương mại song phương trong tương lai là rất có thể.
Điều gì khiến nước Mỹ, dù dưới thời ai làm Tổng thống, cũng luôn đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Việt Nam như vậy?
Việt Nam là đối tác nằm ở khu vực giữa biển Đông - nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng. Người Mỹ trong quan hệ quốc tế luôn nhắm tới những nước có vị trí chiến lược quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam cũng là quốc gia tầm trung với dân số hơn 90 triệu người. Xã hội nước ta rất trật tự, ổn định, có thể phát huy được sức mạnh. Ví dụ, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa qua cũng được phía Mỹ đánh giá rất cao. Và Mỹ chọn Việt Nam vì Việt Nam có thể chia sẻ quan điểm trong các vấn đề hợp tác và phát triển khu vực với Mỹ.
Một số người lo ngại, dưới thời ông Biden, thái độ của Mỹ với vấn đề biển Đông sẽ thay đổi. Nhưng tôi cho rằng, Mỹ rất khó có thể thực hiện theo chính sách của ông Obama trước đây. Nói chung, ông Biden có thể giải quyết mọi thứ ổn thỏa hơn, nhưng không có nghĩa là sức ép với Trung Quốc sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ với Mỹ, chúng ta cũng cần lưu ý. Vì khi mối quan hệ Việt – Mỹ phát triển mạnh, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách can thiệp trực tiếp, gián tiếp, hoặc có thể gây sức ép về an ninh, ngoại giao và cả các đòn kinh tế. Những động thái cải thiện quan hệ về an ninh giữa Việt Nam và Mỹ thời gian qua cũng đều bị Trung Quốc soi xét kỹ càng.
Để giải quyết vấn đề này, quan hệ với Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam phải khéo léo, tránh bị Trung Quốc hiểu lầm Việt Nam đi với Mỹ để chống lại họ. Vì Việt Nam không có những lợi ích như thế.
Chúng ta vẫn đang thể hiện rõ chính sách không chọn một bên. Chính sách này không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề biển Đông đang rất nhạy cảm, khi Trung Quốc quá lấn lướt trong vấn đề đó thì chúng ta cũng đã có sự điều chỉnh trong chính sách. Ví dụ chính sách trắng quốc phòng của Việt Nam năm 2019 đã ghi rõ: Việt Nam có thể xây dựng quan hệ với các nước để phục vụ cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cuối cùng, xin một chút dự đoán của ông về nước Mỹ 4 năm tới dưới thời ông Joe Biden?
Khi ông Trump lên nắm quyền, đã đưa ra các chính sách khác biệt, ví dụ cho phép khai thác năng lượng trở lại khi giá dầu lên cao. Nhưng dưới thời ông Biden, có thể thấy, nước Mỹ sẽ quay lại những chính sách khá truyền thống.
Ông Biden đưa ra các chính sách như: Thúc đẩy tầng lớp trung lưu, khuyến khích người Mỹ mua hàng hóa Mỹ, thúc đẩy khoa học công nghệ, công nghệ chế tạo.... thì cũng chưa có gì quá mới, vì dưới thời ông ông Obama cũng đã nhấn mạnh vào các vấn đề tương tự.
Một số chính sách khác về thuế, hay bảo hiểm sức khỏe… tôi cho là ông Biden sẽ gặp nhiều ý kiến phản đối từ Đảng Cộng hòa. Vấn đề về thuế sẽ còn phải thông qua quốc hội, nên nếu có thực hiện cũng cần khoảng thời gian nữa.
Trong các chính sách của ông Biden, nếu thúc đẩy được tầng lớp trung lưu thì đó sẽ là động lực rất lớn, vì tầng lớp trung lưu có lực lượng đông đảo, nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi xã hội Mỹ phụ thuộc chính vào nhu cầu nội địa chứ không phải từ bên ngoài. Nhưng để làm được điều đó, cần có rất nhiều chính sách đi kèm.
Tôi cho rằng nhiệm kỳ 4 năm tới của ông Biden sẽ gặp nhiều thách thức. Và muốn nhìn thấy hiệu quả, có lẽ chúng ta cũng cần thời gian.
Trương Thu Hường
Tri thức trẻ
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : Viện trưởng IAS, Vingroup, Viettel, kinh tế Việt Nam