Nikkei: 'Việt Nam, Indonesia sẽ thúc đẩy thương mại điện tử ASEAN'

Covid-19 buộc nhiều người chơi lớn trong ngành kinh doanh số phải chú ý hơn đến dịch vụ "tại nhà".

Phân khúc du lịch và gọi xe công nghệ của kinh tế số Đông Nam Á, từng là trụ cột tăng trưởng cho các doanh nghiệp số phát triển nhanh trong khu vực, đang phải chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo thường niên mới được công bố bởi Google, quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek và công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ, hai lĩnh vực trên đều giảm 13% về tần suất sử dụng của người dùng trong bối cảnh Covid-19. Nguyên nhân là hành vi tiêu dùng của họ thay đổi do thực hiện giãn cách xã hội, ngăn chặn sự lây lan của virus trong khu vực.

Việc hạn chế đi lại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên nhằm thực hiện giãn cách xã hội đã “bóp nghẹt” các hoạt động liên quan đến giao thông trong nền kinh tế số của khối như du lịch và gọi xe, ngay cả khi có sự đóng góp của những người ở nhà giúp thúc đẩy thương mại điện tử, hàng hóa và giao đồ ăn.

Thay đổi hành vi tiêu dùng do ảnh hưởng từ Covid-19 khiến phân khúc đặt đồ ăn và mua hàng trực tuyến tăng mạnh trong lĩnh vực kinh tế số ở Đông Nam Á. Ảnh: Reuters.

“Di chuyển đô thị chịu tác động lớn trong thời gian phong tỏa. Cao điểm, chúng tôi ước tính hoạt động này giảm 80% ngay cả khi các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng, rất nhiều người trong chúng ta đang làm việc tại nhà chính là yếu tố dẫn đến sự sụt giảm trong đi lại", Aadarsh ​​Baijal, Trưởng bộ phận Thực hành Kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á của Bain & Company, cho biết.

Báo cáo "e-Conomy SEA 2020" cho thấy phân khúc giao đồ ăn đã tăng 34% và mua hàng hóa trực tuyến tăng 33% do thay đổi hành vi mua sắm sau khi đại dịch Covid-19 tấn công khu vực. Mảng giáo dục chứng kiến ​​mức tăng trưởng 22%, trong đó dạy học trực tuyến tăng 21%.

Báo cáo khảo sát khoảng 4.700 người khắp Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines để phân tích sự thay đổi trong tiêu dùng số của họ trước và sau đại dịch. Các kết quả là tỷ lệ phần trăm của những người tham gia khảo sát đã trả lời "nhiều hơn trước" trừ đi phần trăm số người được hỏi trả lời "ít hơn trước".

Cả hai tên tuổi cung cấp siêu ứng dụng như Grab và Gojek, đều xây dựng đế chế khởi nghiệp ban đầu dựa trên hoạt động kinh doanh cốt lõi của dịch vụ gọi xe, đã và đang lấn sân sang lĩnh vực giao hàng do thay đổi từ đại dịch.

Tại thị trường quê nhà Singapore, Grab khai trương cơ sở “bếp đám mây” thứ 56 của khu vực trong tháng 10, phục vụ các đơn đặt hàng ẩm thực trực tuyến. “Đặt đồ ăn trực tuyến” hiện đóng góp hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp kỳ lân này.

“Đại dịch khiến những người hoạt động trong ngành thực phẩm và đồ uống phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở rộng kinh doanh”, Dilip Roussenaly, giám đốc cấp cao của Deliveries tại Grab Singapore chia sẻ trong buổi ra mắt. "Đây là một trong những nỗ lực mới nhất của chúng tôi cũng là một phần trong cam kết hỗ trợ các đối tác thương mại của chúng tôi trong việc xây dựng doanh nghiệp số của họ".

Sự thay đổi của các lĩnh vực trong kinh tế số tại ASEAN. Đơn vị: %.

Trước đại dịch, dịch vụ “gọi xe qua ứng dụng” chứng kiến ​​sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở ASEAN. Báo cáo của Google, Temasek và Bain&Company công bố vào năm ngoái ghi nhận nhu cầu về dịch vụ này đã tăng lên gấp 5 lần từ 8 triệu người dùng trong năm 2015 lên hơn 40 triệu.

Trước khi rơi vào suy thoái, phân khúc du lịch trực tuyến cũng đã bùng nổ, tăng trưởng từ 19,4 tỷ USD năm 2015 lên 34,4 tỷ USD vào năm ngoái, theo thống kê năm 2019. Năm nay, ngành du lịch cũng trải qua sóng gió khi đại dịch bùng phát khiến các nước trong khu vực phải đóng cửa biên giới đối với du khách.

Ứng dụng đặt vé du lịch Traveloka, một trong những công ty khởi nghiệp lớn nhất của Indonesia, buộc phải sa thải 10% lao động, (khoảng 100 người) vào đầu tháng 4 để giảm chi phí sau khi một lượng lớn khách hàng yêu cầu hoàn lại tiền đặt tour do ảnh hưởng từ đại dịch.

Bất chấp đại dịch đẩy ASEAN trước bờ vực suy thoái, nghiên cứu năm 2020 khẳng định nền kinh tế số của khu vực trị giá 100 tỷ USD trong năm nay sẽ đạt hơn 300 tỷ USD vào năm 2025.

“Chúng tôi có thêm rất nhiều khách hàng mới và những người tiêu dùng mới, thậm chí nhiều hơn bao giờ hết. Giữa bối cảnh đại dịch phức tạp trên thế giới và kinh tế suy yếu thì thương mại điện tử của Đông Nam Á vẫn duy trì ổn định", Stephanie Davis, phó chủ tịch Google tại Đông Nam Á, nhận định.

Sau cú sốc từ đại dịch, nền kinh tế số của Singapore đã giảm 24% theo năm từ 12 tỷ USD năm 2019 xuống còn 9 tỷ USD vào năm 2020. Đây là quốc gia ASEAN duy nhất được đề cập trong báo cáo ghi nhận sự suy giảm trong thương mại điện tử trong khi các nước láng giềng đều tăng trưởng.

"Người Singapore rất thích đi du lịch. Không có gì ngạc nhiên khi du lịch trực tuyến là một phần quan trọng trong nền kinh tế, và rõ ràng thị trường nội địa bị tác động rất lớn", Rohit Sipahimalani, chiến lược gia đầu tư tại Temasek, cho biết.

Trong khi đó Việt Nam và Indonesia là những quốc gia duy trì mức tăng trưởng hai con số. Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng của khối, với nền kinh tế số tăng 16% từ 12 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD trong năm nay. Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong khu vực, đã chứng kiến ​​mức tăng 11% từ 40 tỷ USD năm 2019 lên 44 tỷ USD trong năm nay.

Các con số này lần lượt ở Thái Lan, Malaysia và Philippines rơi vào khoảng 6% đến 7%. Cụ thể, thương mại điện tử Thái Lan tăng từ 16 tỷ USD năm 2019 lên 18 tỷ USD.

Malaysia tăng từ 10,7 tỷ USD lên 11,4 tỷ USD,

Philippines tăng từ 7,1 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD.

Báo cáo cho biết các quốc gia như Indonesia và Việt Nam sẽ là nhân tố chính thúc đẩy thương mại điện tử ASEAN từ nay tới năm 2025. Indonesia dự kiến ​​chứng kiến ​​giá trị kinh doanh trực tuyến tăng 23% lên 124 tỷ USD trong 5 năm, còn tại Việt Nam là 52 tỷ USD – tương đương 29%.

Cũng theo báo cáo, việc VNPay của Việt Nam gia nhập hàng ngũ kỳ lân của Đông Nam Á - những công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ USD – đã nâng tổng số kỳ lân trong khu vực lên 12, từ mức 11 của năm ngoái. Các tên tuổi nổi tiếng đã được liệt kê từ trước có Lazada và Bukalapak, nhà cung cấp trò chơi trực tuyến Sea Group và dịch vụ thanh toán kỹ thuật số OVO.

Báo cáo cũng quan sát thấy rằng nguồn vốn tư nhân đổ vào các kỳ lân đã chậm lại khi các nhà đầu tư né tránh các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều tiền mặt, và bản thân các kỳ lân cũng đang tập trung vào việc tìm kiếm lợi nhuận.

Báo cáo lưu ý, nguồn vốn cho các công ty này giảm xuống còn 3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, so với 5,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Điều này chỉ ra rằng các nhà đầu tư đang lạc quan nhưng vẫn thận trọng về triển vọng của họ, ngay cả khi lượng tiền cam kết dành để đầu tư vẫn sẵn có.

Quan sát số vốn rót vào lĩnh vực công nghệ tại ASEAN, báo cáo nhấn mạnh, tổng giá trị các thương vụ đã giảm xuống còn 6,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, so với 7,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.

Hoa Nguyễn

NDH

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : Nikkei, Indonesia, thương mại điện tử, ASEAN