Thách thức của dệt may Việt Nam khi 'siêu hiệp định' RCEP thực thi

(thegioitiepthi.vn) - Nếu như các ngành hàng nông, thủy sản được dự báo sẽ có nhiều lợi thế khi RCEP đi vào thực thi thì với ngành hàng dệt may hiệp định này sẽ mang lại nhiều thách thức.

Ngày 15/11 vừa qua, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán.

RCEP với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.

Nếu như nông, thuỷ sản đáp ứng nhu cầu hầu hết thì với ngành dệt may, RCEP thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng không hề ít.

Theo ông Trần Như Tùng, Phó tổng giám đốc Dệt may Thành Công, từ trước khi có Hiệp định này Việt Nam đã phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước này vốn đã thấp hơn so với nguyên liệu mà các doanh nghiệp trong nước làm ra, đồng nghĩa việc cạnh tranh đã gặp khó từ lâu.

“Nay RCEP được chính thức ký kết, nghĩa là nguyên liệu nhập khẩu trong ngành dệt may từ Trung Quốc sẽ còn hưởng được thêm nhiều ưu đãi về thuế quan. Giá thành sản xuất của họ vốn đã thấp nay còn thấp hơn khi vào Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước khó lòng cạnh tranh. Có chăng chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu mới hưởng được lợi thế. Với các ngành khác tôi không nắm rõ, nhưng với ngành dệt may chắc chắn thách thức không hề nhỏ”, ông Tùng nhận định.

Ngành dệt may đối diện với nhiều thách thức khi RCEP thực thi. Ảnh: Trần Hùng

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, chủ tịch HĐQT công ty Việt Thắng Jean cho biết, với doanh nghiệp dệt may, Hiệp định RCEP chưa thực sự giúp họ hưởng lợi.

“Với ngành dệt may, việc có thêm một FTA mới là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên có một vấn đề cần nói đến là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may là Mỹ và EU. Trong khi đó, với Hiệp định RCEP vốn chỉ có thêm Trung Quốc là nước có FTA mới với Việt Nam. Vì trước đó trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã có Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN. Tương tự các nước Nhật Bản, Úc và Newzeland đã là thành viên của Hiệp định CPTPP…. Do đó, dù có ưu đãi về thuế quan khiến nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về sẽ giảm nhưng lại không được tính là nguyên liệu nội khối. Đồng nghĩa nguyên liệu mua từ Trung Quốc không được EU chấp nhận về quy tắc xuất xứ nguồn gốc, vì quốc gia này chưa có FTA với EU. Còn xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc càng khó hơn vì nước này được biết đến là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may top đầu thế giới”, ông Việt nói.

Tuy vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, RCEP vẫn mang lại những giá trị to lớn cho ngành dệt may Việt Nam.

Cụ thể là những lợi thế để khai thác thị trường Nhật Bản. Nếu như trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản. Trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc. Khi RCEP có hiệu lực, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Bởi Trung Quốc khi đó cũng là thành viên của RCEP.

Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành này dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực.

Như vậy RCEP sẽ giúp hài hòa các cam kết, quy định trong FTA ASEAN+1 như hiện nay, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và thuận lợi hóa thương mại.

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Thách thức, dệt may Việt Nam, hiệp định, RCEP