Cạm bẫy nào khiến các công ty khởi nghiệp thất bại nhanh chóng?

(thegioitiepthi.vn) - Hầu hết các công ty khởi nghiệp đều dễ thất bại, và điều này không có gì sai. Trong đó, kiên trì là yếu tố quan trọng. Dưới đây là những cạm bẫy phổ biến nhất khiến các công ty khởi nghiệp “sụp đổ”.

Không đáp ứng được nhu cầu của thị trường

Ảnh: Pixabay

Đây là những yếu tố chính thường xảy ra. Có rất nhiều doanh nhân xây dựng công ty khởi nghiệp, đơn thuần vì đó là sở thích cá nhân. Có nghĩa là, họ không nhìn ra được thị trường thực sự cần gì.

Không có gì sai khi bắt đầu kinh doanh dựa trên sở thích của bạn, nhưng khi đã trở thành một doanh nghiệp thì "khách hàng và thị trường" là điều quan trọng nhất.

Không hiểu khách hàng của bạn là ai

Điều quan trọng mà một nhà khởi nghiệp phải biết rõ đó là sản phẩm của mình làm ra, bán ra sẽ dành cho đối tượng khách hàng mục tiêu nào, độ tuổi nào, thị trường mục tiêu nào được nhắm tới.

Ảnh: Pixabay

Mọi sự mơ hồ, không chi tiết, rõ ràng sẽ khiến công ty khởi nghiệp chả đi đến đâu trong những bước đi đầu. Về lâu dài, nguy cơ “sụp đổ” là khá cao vì nền tảng ban đầu không hề có.

Trên thực tế, nắm được điều này còn cho phép bạn hiệu chỉnh các chiến lược tiếp thị cần thiết để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, mục tiêu tốt hơn.

Tập trung vào thương hiệu hơn khách hàng

Ảnh: Pixabay

Khi mới khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp thường sẽ dành phần lớn sự tập trung của họ cho hình ảnh thương hiệu, thay vì tập trung giải quyết vấn đề cho con người, ở đây chính là đối tượng khách hàng mục tiêu.

Quả thật rất nguy hiểm nếu đầu tư quá nhiều thời gian vào việc xây dựng một sản phẩm mà quên mất việc phải lắng nghe, “chăm sóc”, quan tâm tới khách hàng mục tiêu của mình. Sự lơ là này khiến công ty không thể nào biết được phản hồi, cái nhìn của khách hàng về sản phẩm bạn bán ra thế nào, ra sao, điểm yếu thế nào.

Cuối cùng, công ty chỉ liên tục cho ra các sản phẩm “không phù hợp", còn khách hàng sẽ nói “không” cho những lần mua sau.

Tự tin thái quá

Cần có sự tự tin để bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, có một cái bẫy quan trọng mà các nhà sáng lập dễ rơi vào, đó là tình trạng tự tin thái quá. Bởi doanh nhân quá lạc quan về việc sẽ dễ dàng có được khách hàng, họ nghĩ rằng, khi đã xây dựng một trang web hoành tráng, sản phẩm hoặc dịch vụ thú vị, khách hàng sẽ tìm đến công ty của họ. Đó là suy nghĩ sai lệch.

Ảnh: Pixabay

Khi một người đưa ra quyết định kinh doanh, tầm nhìn và chiến lược của họ nó phải hợp với xu hướng, xu thế thời cuộc, tình hình thị trường.

Mọi sự tự tin khiến bạn không còn nhận ra đâu là những điểm bất thường trong tình hình thị trường, quên đi các điểm mấu chốt. Điều này khiến công ty khởi nghiệp có thể “rụng” không lâu sau đó.

Hết tiền

Đây là vấn đề kinh điển. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cuối cùng thất bại vì họ hết tiền, thậm chí tệ hơn là ngay lúc họ chỉ mới bắt đầu.

Nó có thể xảy ra với bất kỳ loại hình khởi nghiệp nào, cho dù vốn công ty được tài trợ cá nhân hay được tài trợ bởi các nhà đầu tư khác.

Ảnh: Pixabay

Sự cố trên có thể xảy ra do hệ thống phân bổ nguồn vốn, tài chính không phù hợp, không được kiểm soát linh hoạt, nguồn vốn dự phòng không đủ.

Để tránh điều này, hãy đảm bảo rằng bạn đã lập kế hoạch ngân quỹ một cách hiệu quả và có chiến lược theo từng giai đoạn phát triển khởi nghiệp.

Tập trung vào các chỉ số vô nghĩa

Đôi khi những người sáng lập đo lường các tiêu chuẩn không nhất thiết quan trọng đối với công ty, nghĩa là chúng không liên quan trực tiếp đến thành công của công ty.

Chúng được gọi là "chỉ số vô nghĩa", và mặc dù chúng khiến bạn cảm thấy hài lòng về doanh nghiệp của mình, nhưng chúng rất tệ khi đem ra đo lường hiệu quả kinh doanh thực tế.

Ảnh: Pixabay

Ví dụ: theo dõi lượt thích, số lượng người theo dõi và người dùng trên kênh mạng xã hội. Nhưng các chỉ số đó thiên về cảm giác hơn là hiệu quả kinh doanh, thay vào đó, hãy chú trọng đến những thứ như lượt tải xuống, lượt mua hàng,  tỷ lệ duy trì mua sắm, doanh thu...

Các chỉ số vô nghĩa sẽ khiến nhiều người sáng lập cảm thấy hài lòng "ảo tưởng" về một doanh nghiệp, nhưng đằng sau đó là một cánh cửa thất bại đang chờ sẵn.

Đội ngũ làm việc yếu kém

Đội ngũ là chìa khóa quan trọng. Một sản phẩm tuyệt vời trong tay của một đội ngũ yếu kém sẽ sớm bị “thiêu rụi”. Trong khi một nhóm làm việc tốt với một sản phẩm kém, họ có thể tìm ra cách giải quyết.

Ảnh: Pixabay

Có rất nhiều điều có thể xảy ra với một đội ngũ yếu kém, nào là tinh thần bỏ cuộc nảy sinh dễ dàng, xung đột với cấp trên, hay các nhà đồng sáng lập có khả năng lãnh đạo kém.

Theo Startus.cc

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Cạm bẫy, công ty khởi nghiệp, thất bại