Ngành ca cao: Thiếu chiến lược dài hơi

Dù ca cao Việt Nam đã giành được giải thưởng quốc tế năm 2013 và được xếp loại hảo hạng năm 2015 bởi Tổ chức Ca cao quốc tế (ICCO), song tiềm năng và triển vọng của ngành hàng này vẫn còn bỏ ngỏ.

Chia sẻ thực trạng ngành ca cao Việt Nam trong 10 năm gần đây, ông Nguyễn Trọng Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)- cho hay, sau khi phát triển lên con số đỉnh điểm 25.700 ha vào năm 2012, diện tích trồng ca cao liên tục giảm mạnh; đến nay (năm 2020) cả nước còn 4.589 ha, giảm 416 ha so với năm 2019, kéo theo đó là sự sụt giảm mạnh về sản lượng. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này cũng giảm dần theo xu hướng phát triển diện tích cây ca cao.

5415-cic-voi-tham-vong-dan-dat-nganh-hang-ca-cao-viet-nam-1

Hiện, còn 11 địa phương sản xuất tập trung ca cao, diện tích không giảm nhưng rất khó tăng lên. Ca cao chủ yếu được trồng xen canh, vì vậy rất khó để mở rộng diện tích chuyên canh. Thêm vào đó, hiệu quả kinh tế không thể so sánh với loại cây trồng khác.

Theo ông Tùng, nút thắt ở đây chính là khâu sơ chế và chế biến ca cao. Hiện, các doanh nghiệp sơ chế và chế biến ca cao tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Là doanh nghiệp chế biến ca cao và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada và tiêu thụ nội địa, ông Trương Ngọc Quang - Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn - cho biết, ngành ca cao trong những năm qua gặp nhiều khó khăn nên diện tích bị sụt giảm nghiêm trọng, việc này một phần liên quan đến vấn đề thu nhập của bà con nông dân, nhưng một phần liên quan đến biến đổi khí hậu.

Để ngành ca cao khắc phục các điểm yếu và trở thành ngành công nghiệp ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Tùng cho rằng, cần tìm ra được giải pháp để liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp nhỏ với các tập đoàn lớn, giúp phát triển ngành ca cao toàn diện, bền vững trong tương lai.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Quang cho rằng, nhà nước cần chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu cũng như hướng dẫn một cách rõ ràng cho người trồng để bà con nông dân biết khu vực nào nên trồng và trồng với sản lượng bao nhiêu để duy trì và phát triển được cây ca cao chất lượng và bền vững.

Bên cạnh đó, việc bắt tay với các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất socola như Bỉ sẽ giúp nâng tầm giá trị của ca cao Việt. Ông Paul Jansen - Đại sứ Bỉ tại Việt Nam - cho biết, Bỉ sẵn sàng hỗ trợ, tạo liên kết tiêu thụ cho loại quả này của Việt Nam trên cơ sở 2 nước đã là đối tác chiến lược về nông nghiệp.

Theo Thanh Hà (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Ngành ca cao, Thiếu chiến lược