Siết chặt quản lý kinh doanh thương mại điện tử

(thegioitiepthi.vn) - Hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang diễn ra rầm rộ. Việc siết chặt quản lý kinh doanh hàng hóa trên các sàn này là điều cấp thiết để bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Theo đó, những sửa đổi quan trọng nhất trong nghị định này liên quan đến các vấn đề về thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT. Các đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin, hàng hóa dịch vụ… Trong những sửa đổi này, việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được các sàn TMĐT và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, Nghị định 52/2013/NĐ-CP với những quy định mở nhằm tạo điều kiện và kích thích TMĐT phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mua - bán hàng online phát triển chóng mặt. Việc sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52 sẽ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

Việc bán hàng trên sàn TMĐT sẽ được siết chặt hơn trong thời gian tới. Ảnh minh họa. IT

Đại diện TiKi cho rằng việc sửa đổi là cần thiết để lành mạnh hóa thị trường TMĐT và bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng. “Niềm tin của khách hàng dành cho các sàn TMĐT chưa cao. Rõ ràng đây là một thử thách không chỉ riêng với TiKi mà với các sàn TMĐT khác. Chính vì vậy, chúng tôi rất đồng tình với những quy định, chính sách giúp minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, ông Nguyễn Chí Thọ, giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki cho biết.

Ông Thọ cho biết thêm, TiKi đã áp dụng chính sách đền bù 111% cho người tiêu dùng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái trên sàn TiKi. Để thực hiện được điều này, TiKi luôn siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào cho đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.

Trong khi đó, đại diện Shopee cho biết, đơn vị này đã thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm. Trong trường hợp khách hàng phát hiện những sản phẩm quyền sở hữu trí tuệ có thể phản hồi qua chức năng này, từ đó Shopee sẽ có những biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, công ty còn áp dụng hệ thống Sao Quả Tạ - tức hệ thống điểm phạt để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Shop. Theo đó, Shop càng có nhiều điểm phạt thì càng được hưởng ít hỗ trợ hơn từ Shopee và hình phạt cao nhất của hệ thống là tạm khoá tài khoản bán hàng trong 28 ngày.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, vai trò của người tiêu dùng trong việc cảnh báo với những sản phẩm hàng giả, hàng nhái là rất cần thiết. Trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng người tiêu dùng cần phản hồi lại với các sàn TMĐT để có sự hỗ trợ, đền bù.

Trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến Nghị định 52, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết: “Người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến chỉ nên mua hàng trên các website uy tín, hợp pháp. Chúng ta có thể tra cứu thông tin về các website đã tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương trên website Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn cũng như kiểm tra kỹ thông tin về người bán sản phẩm: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến và thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng”.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Siết chặt quản lý kinh doanh, thương mại điện tử