'Cú hích' Fintech và thương mại điện tử sẽ giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc

(thegioitiepthi.vn) - Kinh tế Việt Nam đang ngày càng đứng trước nhiều cơ hội tăng tốc khi các mảng như Fintech, thương mại điện tử phát triển.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Thảo luận tại tọa đàm "Catching up with Vietnam" (tạm dịch: Bắt kịp Việt Nam) ngày 8/12, các chuyên gia đến từ WeWork, McKinsey & Company Vietnam, Vero và 3M Việt Nam cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế khu vực và sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp có thể sẽ kéo dài.

Vì thế, các công ty cần có sự linh hoạt trong việc tăng hoặc giảm quy mô để nhanh chóng thích ứng với cơ cấu hoạt động trong bối cảnh mới.

Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi của Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế hiệu quả cao, đón nhận nhiều cơ hội đầu tư từ nước ngoài.

Với kinh nghiệm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất từ trước đến nay, kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội tăng tốc khi các mảng như FinTech và thương mại điện tử phát triển.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để nâng cao vị thế của mình trong khu vực, trước tiên Việt Nam cần nâng cao khả năng phục hồi và năng lực cạnh tranh bằng cách thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tư nhân nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, mang đến sự hỗ trợ cần thiết để tăng năng suất thông qua đào tạo lại kỹ năng hướng tới các mục tiêu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Matthieu Francois, đối tác liên kết của McKinsey & Company Vietnam cho biết: “Với việc dần chuyển đổi nền kinh tế thành một hệ sinh thái kết hợp thúc đẩy hướng tới công nghiệp 4.0 và các công ty đang nỗ lực để tái hiện những trải nghiệm của người tiêu dùng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nổi bật cho các doanh nghiệp quốc tế”.

Với việc đạt mức tăng trưởng 14,9% về đầu tư và vốn góp từ nước ngoài vào tháng 6 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, con số này cho thấy cộng đồng quốc tế vẫn nhìn thấy cơ hội tăng trưởng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh trước tác động của đại dịch cũng có nghĩa là cần phải xúc tiến chuyển đổi ngành để đón đầu những thách thức.

Đại dịch đang khiến những chuyển đổi về mặt số hóa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, các thương hiệu lớn hiện đang khai thác các nền tảng nội dung như TikTok để phát trực tiếp như một kênh thu hút người tiêu dùng mới. Sau đại dịch, các thương hiệu tập trung chủ yếu vào việc làm thế nào để họ trở nên gần gũi hơn và xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc trò chuyện hằng ngày của người tiêu dùng bằng cách xây dựng hình ảnh và cá tính riêng của mình.

Cùng đó, tính linh hoạt đã được chứng minh là yếu tố duy nhất bất biến của bất kỳ tổ chức nào để điều hướng cách thức hoạt động, để tồn tại trong diễn biến phức tạp của đại dịch.

“Chúng tôi nhận thấy đại dịch đang khơi dậy các xu hướng có từ trước, chẳng hạn như chủ đề số hóa của Việt Nam và sức ảnh hưởng của nội dung trên các kênh truyền thông xã hội đối với người tiêu dùng. Từ việc chính phủ Việt Nam sử dụng TikTok để truyền đạt các hướng dẫn về an toàn, rõ ràng là các thương hiệu cần phải ngày càng linh hoạt để bắt kịp với những hành vi thay đổi của người tiêu dùng để đẩy mạnh sự hiện diện của thương hiệu trong một thị trường rộng lớn”, Raphael Lachkar, COO Vero cho biết.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Fintech, thương mại điện tử, kinh tế Việt Nam tăng tốc