Ai hưởng lợi trong ngành gỗ khi RCEP thực thi?
(thegioitiepthi.vn) - RCEP được ký kết và sẽ sớm đi vào thực thi trong thời gian tới. Ngành gỗ có khó khăn và thuận lợi của riêng mình, nhưng ai sẽ là người hưởng lợi?
Ngày 15.11 vừa qua Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được các bên đặt bút ký kết.
Hiệp định này được cho là thoả thuận khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô thị trường trên 26 nghìn tỉ USD phục vụ cho 2,2 tỉ người. Nó ra đời đúng lúc thị trường toàn cầu có nhiều biến động và hình thành các chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Với việc xuất khẩu đồ gỗ sang khối này chiếm tới 37% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành thì RCEP được nhận định vẫn mang đến những lợi thế nhất định cho ngành gỗ.
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi, RCEP hiện chiếm gần 30% giá trị thế giới, nếu các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tận dụng được sẽ mang đến rất nhiều kết quả.
“Với riêng thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn vì đây được đánh giá là thị trường dễ tính. Nếu như hiệp định EVFTA có nhiều ràng buộc về tiêu chuẩn thì với RCEP các ràng buộc ít hơn và cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp ngành gỗ dễ dàng hơn”, ông Hùng nói.
Ngành gỗ vẫn sẽ có những lợi thế nhất định trong hiệp định RCEP. Ảnh minh họa. TL
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP SX TM Sài Gòn cho rằng, trong hiệp định này, Trung Quốc nổi lên là thị trường tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam tận dụng.
“Thị trường Trung Quốc từ trước đến giờ chúng ta luôn suy nghĩ đến chuyện mua nguyên liệu từ nước họ để hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta lại không nghĩ đến thị trường xuất khẩu tiềm năng. Lượng khách hàng tầng lớp trung lưu của nước này phát triển rất nhanh, nhu cầu lớn. Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ của Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm sang nước này rất tốt trong thời gian qua”.
Tuy vẫn có những lợi thế, nhưng vấn đề là ai sẽ hưởng lợi là câu hỏi lớn mà nhiều băng khoăn. Ông Nguyễn Chánh Phương, PCT Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ: “Ai là người thực sự sẽ hưởng lợi khi hiệp định RCEP được thực thi, doanh nghiệp Việt hay các doanh nghiệp FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc… nếu các doanh nghiệp FDI tận dụng tốt hiệp định này thì các doanh nghiệp Việt sẽ trở thành những doanh nghiệp nhỏ hơn, yếu thế hơn. Khi chúng ta bất lợi về quy mô, chúng ta sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh nguồn nguyên liệu rẻ, về nguồn lao động. Khi đó, các doanh nghiệp Việt sẽ quay trở lại làm việc cho các doanh nghiệp FDI, cho nên các doanh nghiệp Việt nên tính toán cho kỹ về chuỗi cung ứng của mình”.
Việc doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI tận dụng lợi thế từ hiệp định này là một câu hỏi khó. Ảnh minh họa. TL
Theo chia sẻ của ông Hùng, bất cứ hiệp định nào cũng có 2 chiều, khi RCEP thực thi thì hàng hóa từ các nước sẽ vào Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh cực lớn ngay tại thị trường nội địa. Thứ hai các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam tận dụng các lợi thế của Việt Nam để xuất sang những thị trường khó khăn mà nước này chưa xuất được như Mỹ. Từ đó dẫn đến các doanh nghiệp từ nước này cạnh tranh nguồn lao động, cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước cả về thị trường xuất khẩu.
Theo nhận định của các chuyên gian ngành này, RCEP không hẳn là một thỏa thuận lý tưởng. Nhưng ở thời điểm hiện tại RCEP phù hợp với điều kiện của một số quốc gia đang phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam, khi chúng ta được coi là hưởng lợi từ RCEP.
Theo đó việc hài hòa các quy tắc xuất xứ nội khối RCEP sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này.
Riêng với ngành gỗ Việt Nam, cam kết thuế quan khá thoáng khi bỏ thuế ở một loạt các mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sang 15 thị trường trong khối, nhất là các thị trường xuất khẩu hàng đầu của ngành như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chiếm 32% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc (chiếm 12% tổng giá trị xuất khẩu, đạt 1,3 tỉ USD vào năm 2019), xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường này chiếm tới 79% là mặt hàng xuất khẩu lớn.
Việt Nam cam kết, năm 2021 sẽ bỏ thuế xuất khẩu đối với sản phẩm này sang Trung Quốc. Tương tự như Nhật Bản và Hàn Quốc, mặt hàng này đang được hưởng thuế xuất khẩu 0% theo cam kết tại Hiệp định CPTTP và AKFTA.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : ngành gỗ, RCEP