Ông Trương Gia Bình: Chuyển đổi số muốn thành công phải có tầm nhìn

(thegioitiepthi.vn) - Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh mỗi bộ ngành, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư và có “kịch bản” riêng cho lộ trình chuyển đổi số. Yếu tố tiên quyết mang lại thành công chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp…

Một giải pháp cho chuyển đổi số được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Đức Hiệp.

Ngày 14/12, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT và Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”, chương trình là hoạt động đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749 ngày 3/6/2020.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) dẫn lại nghiên cứu của McKensey cho thấy, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.

Khảo sát của Singapore cho thấy, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD. 

Thực tế những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành CNTT năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP Việt Nam. Trong đó, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT có khoảng 12.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 11 tỷ USD. Ngành CNTT hiện có khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA

Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; chi phí, thời gian, nguồn lực và cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức.

Ngoài ra, yếu tố bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát. 

Tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người”.

Vị đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi doanh nghiệp công nghệ số có nền tảng tốt hãy tham gia. Đối với các bộ, ngành, địa phương, đề nghị khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán. Những nền tảng quy mô bộ, ngành, địa phương cần triển khai tập trung. Ứng dụng và dịch vụ có thể triển khai phân tán.

Bên cạnh đó, đối với các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ, thông qua việc sử dụng các nền tảng.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA và đồng thời là Chủ tịch FPT nhận định: “Mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư và có “kịch bản” riêng cho lộ trình chuyển đổi số. Yếu tố tiên quyết mang lại thành công trong chuyển đổi số chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp…".

"Nâng cao nhận thức là câu chuyện chúng ta nói nhiều rồi, nhưng để thực hiện thì bắt đầu từ đâu? Từ tầm nhìn, để chúng ta vạch ra lộ trình xuyên suốt. Rồi làm như thế nào, làm được đến đâu… thì lại cần đến quyết tâm của cả một tổ chức, để nhân sự đồng lòng, để huy động các nguồn lực một cách cao độ”, ông Bình nói.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Ông Trương Gia Bình, Chuyển đổi số