Bình Dương: Sản xuất công nghiệp khởi sắc và phục hồi nhanh

Trong những tháng cuối năm 2020, các ngành, lĩnh vực kinh tế của Bình Dương chuyển biến tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc, phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng trở lại, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sản xuất công nghiệp khởi sắc

Năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên sản xuất công nghiệp của Bình Dương tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp tục phát triển, chuyển dịch theo hướng tích cực.

Bình Dương: Sản xuất công nghiệp khởi sắc và phục hồi nhanh

Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của Bình Dương

Theo ghi nhận, sản xuất công nghiệp của Bình Dương đã có sự khởi sắc, phục hồi nhanh và đạt mức tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm. Công nghiệp tiếp tục giữ vai trò là ngành chủ lực của nền kinh tế, tạo động lực cho phát triển đô thị, dịch vụ, thương mại. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 (IIP) ước tăng 8,02% so với cùng kỳ (năm 2019 tăng 9,86%). Đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây, tuy nhiên so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước thì đây là mức tăng trưởng khá và có nhiều điểm sáng.

Với việc triển khai quyết liệt, kịp thời các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND Bình Dương… đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, ngành hàng duy trì và sớm phục hồi hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Đơn cử như ngành chế biến gỗ xuất khẩu đã có sự phục hối khá tốt trong 6 tháng cuối năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ, tương đương 5.863 triệu USD.

Đáng chú ý, ngành điện tử đã bật tăng mạnh mẽ và tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt mức tăng 28% so với cùng kỳ, tương đương 1.049 triệu USD… Do đó, có thể khẳng định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành công nghiệp Bình Dương.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Nhằm phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế - xã hội ổn đinh, vừa chống dịch hiệu quả. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phục hồi tăng trưởng và tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hương tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Để hiện thực hóa những mục tiêu nay, theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương, bước sang năm 2021, Bình Dương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, phấn đấu chỉ số công nghiệp (IIP) tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch nội bộ ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến công nghệ, chuyển đổi số và những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Đồng thời, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế… hình thành vùng đổi mới sáng tạo.

Về thương mại – dịch vụ, xuất nhập khẩu, Bình Dương phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16%, kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so với năm 2020. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình hành động, đột phá về phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại…

Đặc biệt, để tiếp tục phục hồi và giữ vững tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Bình Dương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Theo Minh Khuê (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Bình Dương, Sản xuất công nghiệp, phục hồi nhanh