Xuất khẩu gỗ bứt phá ngoạn mục
(thegioitiepthi.vn) - Trong khi nhiều ngành xuất khẩu không đạt mục tiêu đề ra thì ngành chế biến gỗ bất chấp những khó khăn của dịch bệnh, dự kiến cán mốc 12,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020.
Có thể thấy, năm 2020 là một năm đầy thách thức với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi dịch bệnh xảy ra trên toàn cầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng vào hồi đầu năm nay đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lao đao vì các đơn hàng bị đối tác hoãn, hủy. Phải tới tháng 6/2020, nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu nhận lại đơn hàng và thực hiện xuất hàng trở lại bình thường.
Chưa hết, trong năm 2020, ngành chế biến gỗ đã trải qua nhiều vụ phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Cụ thể ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, áp dụng với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế. Thậm chí, Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ còn cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài - Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong năm 2020, Việt Nam bị điều tra 37 vụ việc phòng vệ thương mại, bao gồm Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất khẩu gỗ vẫn đạt kim ngạch trên 11 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Hiệp hội này ước tính, kết thúc năm 2020, xuất khẩu gỗ sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD. Đây là một kết quả rất tích cực của ngành gỗ nói riêng, từ đó kéo kim ngạch xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản cả nước lên trong thời gian vừa qua.
Ngành gỗ cán mốc 12,5 tỷ USD trong năm 2020 bất chấp Covid-19. Ảnh: Trần Hùng
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, trong năm 2020 ngành gỗ đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức tiếp cận khách hàng. Theo đó, khi giao thương bị ngưng trệ, ngành đã ngay lập tức thay đổi hình thức quảng bá, xúc tiến sản phẩm qua hình thức online. Đặc biệt HAWA đã xây dựng nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam với tên gọi là Hope nhằm hỗ trợ xuất khẩu gỗ, nội thất có thể trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương với các nhà mua hàng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVTA) chính thức có hiệu lực đã giúp doanh nghiệp được hưởng thuế suất 0%, đồng thời có thể tiếp cận nguồn máy móc hiện đại của các nước EU để ứng dụng vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Chánh Phương nhận định, năm 2021 triển vọng thị trường gỗ khá tốt. Cụ thể là ở Mỹ nhu cầu nhập khẩu còn lớn vì các công trình dân dụng đang tiếp tục được triển khai. Thêm vào đó, việc chuyển đổi số qua nền tảng Hope từ năm 2020 đã giúp doanh nghiệp có những đơn hàng dài hơi. Đó là chưa kể loạt hiệp định thương mại đã và đang thực thi như EVFTA, CPTPP… sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi xác định năm 2021 thị trường châu Âu và Mỹ vẫn là hai thị trường lớn của ngành. Do đó sẽ có những chiến lược cụ thể để sản phẩm tiếp cận nhà nhập khẩu các nước này trong năm 2021”, ông Phương chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ngay từ thời điểm cuối tháng 10/2020 nhiều doanh nghiệp gỗ đã đàm phán được những đơn hàng lớn, với giá trị cao cho năm 2021. Đơn cử Công ty CP phát triển SX TM Sài Gòn (SADACO). Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT của SADACO cho biết, công ty đã thực hiện ký kết nhiều các đơn hàng cho đến giữa năm 2021. “Việc có được các đơn hàng thời điểm này cho thấy nhu cầu về đồ gỗ nội thất vẫn được tiêu thụ tốt”, ông Mạnh nói.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Xuất khẩu gỗ, bứt phá