Phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu

(thegioitiepthi.vn) - Trước bối cảnh hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị gián đoạn do Covid-19, để kịp thời hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, Cục Xúc tiến thương mại đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số.

Theo đó, xúc tiến thương mại, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận tới mọi thị trường trên toàn cầu.

tổng số doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt. Ảnh minh họa: IT

Thống kê từ Cục Xúc tiến thương mại cho thấy, đến hết tháng 11/2020, đã có 221 đề án cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được triển khai thực hiện, hỗ trợ gần 13.000 lượt doanh nghiệp, giá trị các hợp đồng xuất khẩu thương mại điện tử đạt khoảng 34 triệu USD. Tổng giá trị của hợp đồng mua bán hàng hóa, đại lý tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và doanh số bán hàng đạt hơn 71 tỷ đồng, thu hút hơn 350.000 lượt khách tham quan.

Đặc biệt, thông qua các hội nghị giao thương, phiên giao thương trực tuyến đã kết nối khoảng 10.000 lượt doanh nghiệp nước ngoài; đa dạng các mặt hàng tham gia giao thương như: sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao... với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như châu Phi, Australia, Mecosur...

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã hỗ trợ hơn 100.000 lượt doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đến nay, tổng số doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt với đa dạng các mặt hàng như sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội, ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...

Theo ông Lê Hoàng Tài, môi trường trực tuyến giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, do đó mỗi hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đều thu hút được nhiều lượt tham dự, theo dõi.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến của Cục Xúc tiến thương mại đã nhận được phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp, được đánh giá cao về thông tin cụ thể và thiết thực liên quan trực tiếp đến sản xuất cũng như cung cấp các thông tin thị trường cần thiết cho mục tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp đối với từng ngành hàng liên quan.

Đặc biệt, đây cũng là cầu nối hiệu quả giữa các nhà cung cấp, nhà phân phối với các doanh nghiệp nhập khẩu, góp phần duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trần Quốc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Tinh Cầu chia sẻ, xúc tiến thương mại trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần do được rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7.

Tuy nhiên, để xuất khẩu đạt hiệu quả nhất định sản phẩm phải đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh; có nhân sự chuyên trách và gian hàng quảng bá chuyên nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hoạt động tích cực nhằm nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất.

Đáng lưu ý, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt, nên doanh nghiệp cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ bán hàng từ khâu marketing, bán hàng cho tới chăm sóc khách hàng.

Nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định: Bộ Công Thương đang khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.

Song song với đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương, tổ chức trong cả nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại tại hội nghị, kết nối giao thương, đào tạo, tập huấn trực tuyến; tham gia gian hàng trực tuyến của các hội chợ - triển lãm lớn, uy tín trên thế giới hoặc tổ chức hội chợ, triển lãm trực tuyến cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam...

Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về xúc tiến thương mại (App), một nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện.

Ngoài ra, Cục sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, cán bộ phụ trách xúc tiến thương mại của các địa phương, hiệp hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến mới qua đó cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu đến các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu; cập nhật thông tin nhà phân phối, nhà nhập khẩu tiềm năng, phù hợp với khả năng xuất khẩu.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý xúc tiến thương mại tại địa phương và trung ương, các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt các quy định mới, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về quy định nguồn gốc, xuất xứ, quy định thuế quan, phi thuế quan tại từng thị trường và có định hướng, chiến lược xuất khẩu phù hợp.

Bên cạnh đó, thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; chú trọng bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước; chủ động tìm hiểu, tiếp cận, khai thác thị trường cũng như nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ kết nối giao thương trực tuyến hiệu quả.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Phương thức hiệu quả, thị trường toàn cầu