Các chuyên gia nói gì về mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2021?

Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% nhưng phần lớn dự báo của các tổ chức trong nước và nước ngoài đều cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% đến trên 7% trong năm 2021.

Đối với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 mà Chính phủ đặt ra là khoảng 6% và quyết tâm điều hành để nâng tăng trưởng GDP thêm 0,5%, nhiều chuyên gia nhận định con số này hoàn toàn có thể đạt được, song phải đặt trong điều kiện tiên quyết là khống chế được dịch Covid-19.

NĂM 2021 SẼ "LẤY LẠI NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT" CỦA 2020

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các dự báo gần đây đều cho thấy mức độ bật lại của tăng trưởng kinh tế cả với toàn cầu và khu vực đều khá khả quan.

Trong năm 2020, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng âm 4 – 4,5% nhưng trong năm tới kinh tế toàn cầu được IMF và nhiều tổ chức dự báo sẽ tăng trưởng 5 – 5,2%.

"Như vậy có nghĩa, 2021 là năm 'lấy lại hơn một chút những gì đã mất của năm 2020'", TS. Võ Trí Thành nhận định.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 -2020

Đối với Việt Nam, với mức tăng trưởng 2 – 2,7% trong năm 2020, Việt Nam được ghi nhận là "ngôi sao sáng" của khu vực và toàn thế giới. Năm tới, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% nhưng phần lớn các dự báo của các tổ chức trong nước và các tổ chức nước ngoài đều cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% đến trên 7% trong năm 2021.

Tuy nhiên, dự báo này chỉ có thể hiện thực hoá trong điều kiện toàn thế giới và đặc biệt là Việt Nam khống chế được dịch. Điều này liên quan đến hiệu quả, mức độ phổ biến của của vaccine, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Còn trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 thì kinh tế vẫn rất khó khăn bởi dịch Covid-19 không thể khống chế được trong một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, vì vậy cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lạc quan của kinh tế thế giới. Như vậy, vẫn có nhiều rủi ro và bất định đối với kinh tế vĩ mô năm 2021.

Vấn đề đáng lưu ý nữa là ngoài địa chính trị vẫn xuất hiện rủi ro tài chính theo hai nghĩa.

Thứ nhất là nợ của thế giới rất lớn, các gói hỗ trợ của các quốc gia trong đợt dịch vừa qua càng làm gia tăng nợ. "Quả bom" nợ nần này mà xử lý không tốt sẽ tạo ra rủi ro cho nền kinh tế.

Thứ hai là trong quá trình phục hồi thì cần tiếp tục hỗ trợ, nhưng hỗ trợ lại rủi ro tài chính. Vì vậy, phải cân bằng giữa việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thu hẹp nguy cơ rủi ro. Việc này đòi hỏi sự phối hợp của các nước về chính sách tài khoá,…TS. Võ Trí Thành phân tích.

Về vốn đầu tư công, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ sau gói thứ nhất song hỗ trợ như thế nào và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Song Việt Nam có thuận lợi là vẫn còn dư địa xét về tỷ lệ nợ công và vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần gắn với các xu hướng mới, để thúc đẩy quá trình phục hồi và đằng sau đó là hiệu quả tăng trưởng, TS. Thành đặt vấn đề.

SẼ TĂNG TỐC TỪ QUÝ 2

Còn theo báo cáo "Sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021: Vượt qua bão giông" từ các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô của Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ổn định ở khoảng 6,5%.

Trong đó, mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý 2/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%). Để phục hồi tăng trưởng, cơ quan điều hành sẽ cân nhắc việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chuyên gia từ SSI dự báo.

Nhiều chú ý đang được hướng đến những sự kiện quan trọng nhất sẽ diễn ra trong năm 2021, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%.

Điều đáng lưu ý là quy mô GDP giai đoạn này được điều chỉnh, khác với các giai đoạn trước đây (điều chỉnh quy mô GDP làm cho GDP cao hơn 27% trong năm 2020 do khu vực kinh tế chưa được quan sát được đưa vào để tính GDP), do đó mức tăng trưởng dựa trên cơ sở cao này được dự báo là rất khả quan.

Lý giải về nhận định này, báo cáo từ SSI cho hay, không giống các nền kinh tế khác, kinh tế Việt Nam không hề bị suy thoái trong năm 2020. Điều này đã được chứng minh với mức tăng trưởng GDP là 2,91% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam giữ vững vị trí hàng đầu trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong năm 2020, chỉ đứng sau các nền kinh tế cận biên và đặc biệt như Bangladesh, Guyana và Turkmenistan.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong năm 2021 như: Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn, niềm tin của người tiêu dùng bị ảnh hưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, tất cả các chỉ số chuyên gia kỳ vọng sẽ tích cực trở lại trong năm 2021.

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ổn định khoảng 6,5% so với năm trước (cao hơn kế hoạch của Chính phủ là 6%). Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ Q2/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 , tăng đến khoảng hơn 7%", chuyên gia SSI nhận định.

TIẾP TỤC THỰC HIỆN "MỤC TIÊU KÉP"

Dự báo về mức tăng trưởng GDP năm 2021, TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế lại cho rằng, chỉ nên đặt mục tiêu "khiêm tốn" ở mức tăng trưởng khoảng 5%. Bởi năm 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn.

Đặc biệt, TS. Nghĩa cho rằng, Việt Nam cần tập trung cho chuyển đổi số cũng như khuyến khích sự liên kết từ các doanh nghiệp nội. "Bằng công nghệ kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng để cùng vực dậy nền kinh tế", TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

"Nếu dịch được kiểm soát, năm 2021 đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng cho nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh đó, nên dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp vì đây là sống lưng của kinh tế Việt Nam và năm 2021 chưa phải là thời điểm để kỳ vọng nhiều vào du lịch."

PGS. TS. Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Còn theo PGS,TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại cho rằng, nguyên nhân của tăng trưởng dương năm 2020 là do Việt Nam có nền tảng vĩ mô ổn định vững chắc trong suốt 3 năm trước đó (2017-2019), chứ không phải chỉ nhờ các giải pháp quyết liệt.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo xuất phát điểm, nền tảng tốt cho giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đặt ra đó là "tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới".

"Nếu dịch được kiểm soát, năm 2021 đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng cho nền kinh tế nước nhà. Bên cạnh đó, nên dùng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ nông nghiệp vì đây là sống lưng của kinh tế Việt Nam và năm 2021 chưa phải là thời điểm để kỳ vọng nhiều vào du lịch", ông Long nói.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại có thể là công cụ để phát triển xuất khẩu, nhưng không nên quá lạc quan với những hiệp định đó, bởi nếu kinh tế thế giới rơi vào ngõ cụt thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng, ông Long phân tích.

Dưới góc nhìn từ một tổ chức quốc tế, Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam nhận định, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi và dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Tuy nhiên, chuyên gia WB cũng đặt kịch bản, quy mô và thời gian hoành hành của đại dịch, cũng như tác động kinh tế của nó, khó có thể dự đoán. Vì vậy, một kịch bản xấu hơn cũng được đưa ra. Trong trường hợp thế giới, và có thể cả Việt Nam, phải hứng chịu những làn sóng id-19 mới, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ ở mức thấp hơn, và việc đưa nền kinh tế quay trở lại xu hướng tăng trưởng và củng cố tài khóa như trước Covid-19 cũng diễn ra chậm hơn dự kiến.

Khi sự phục hồi kinh tế được củng cố, các chính sách tài khóa và tiền tệ được ban hành nhằm ứng phó với khủng hoảng dự kiến sẽ được từng bước gỡ bỏ. Chính sách tiền tệ sẽ lại quay về với cách tiếp cận an toàn để cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khoẻ của khu vực tài chính.

Cũng theo WB, tuy củng cố tài khóa là bước đi cần thiết để duy trì nợ công ở mức bền vững, nhưng các cấp có thẩm quyền vẫn cần cải thiện kết quả thu ngân sách để đảm bảo nguồn thu cho nhu cầu chi dự kiến tăng lên về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng mà Việt Nam sẽ cần đến trong thập kỷ tới.

Hạ An

Nhịp sống doanh nghiệp

Theo cafebiz.vn

Từ khóa : chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng