Giá mía nguyên liệu tại Gia Lai có xu hướng tăng

(thegioitiepthi.vn) - Thông tin từ Nhà máy đường An Khê (trụ sở tại thị xã An Khê, Gia Lai, thuộc Công ty đường Quảng Ngãi), để đảm bảo công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày, vụ ép 2020-2021, đơn vị đã tăng mức giá thu mua mía nguyên liệu hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ 2019-2020.

Theo đó, mía nguyên liệu năm nay tại tỉnh Gia Lai có giá 900.000 đồng/tấn với mía đạt 10 chữ đường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân trồng mía tại Gia Lai.

Những năm trước đây, tại Gia Lai, tình hình khô hạn cũng như dịch trắng lá mía khiến năng suất giảm, đồng thời, việc giá đường trong nước cao so với đường nhập khẩu đã làm giá mía xuống thấp trầm trọng. Do đó, hàng nghìn hộ dân phá bỏ diện tích mía để chuyển đổi sang cây trồng khác khiến vùng nguyên liệu mía tại tỉnh Gia Lai bị ảnh hướng lớn, có năm không đủ nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy trên địa bàn.

Vụ ép 2020-2021, mức giá thu mua mía nguyên liệu tăng hơn 100.000 đồng/tấn so với vụ 2019-2020. Ảnh: TL

Chị Nguyễn Lan Anh, xã Yang Trung, huyện Kông Chro cho hay, gia đình chị có khoảng 30 ha mía được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ sản xuất theo mô hình cánh đồng mía lớn áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch để nâng cao năng suất và chất lượng mía.

Hai năm trở lại đây giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp nên người trồng mía gặp nhiều khó khăn, nhiều lần gia đình chị Lan Anh cũng muốn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Năm nay, giá mía thu mua 900.000 đồng/tấn với dự kiến đạt khoảng 80 tấn/ha, gia đình chị có lãi và giữ lại vùng nguyên liệu mía để tiếp tục chăm sóc cho vụ sau.

Không chỉ giá mía tăng mà năng suất mía năm nay nhờ mưa nhiều nên cũng có những chuyển biến tích cực. Theo ông Nguyễn Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Pơ (Gia Lai), năm nay do lượng mưa nhiều nên năng suất mía tăng đáng kể, bình quân đạt khoảng 65 tấn/ha, tăng khoảng 15 tấn/ha so với năm trước.

Nếu giá thu mua mía tiếp tục duy trì ổn định như hiện nay thì trong thời gian tới, huyện sẽ làm việc với nhà máy có các chính sách đầu tư tăng diện tích, mở rộng cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho nhà máy hoạt động cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê cho biết, vụ ép năm 2020-2021, Nhà máy Đường An Khê dự kiến sẽ thu mua khoảng 1 triệu tấn mía cây trong vùng nguyên liệu để phục vụ công suất ép 16.000 tấn/ngày của nhà máy.

Đồng thời, để giúp người trồng mía yên tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nhà máy đang triển khai nhiều chính sách đầu tư cho người trồng mía không tính lãi suất, với hy vọng sẽ vực dậy cây mía phát triển bền vững, tạo thu nhập ổn định cho bà con.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2019, toàn tỉnh có hơn 34.000 ha mía. Dự kiến năm 2020, có 36.000 ha nhưng do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19, nhiều cơn bão vừa qua nên ước diện tích gieo trồng năm 2020 khoảng hơn 30 ngàn ha.

Theo đó năng suất mía năm 2019 khoảng 64 tấn/ha, dự kiến năm 2020 tăng đạt 70 tấn/ha, nhưng trên thực tế tính đến cuối năm 2020 năng suất trung bình ước khoảng 65 tấn/ha.

Sản lượng mía năm 2019 của tỉnh được 2,2 triệu tấn, sản lượng dự kiến năm 2020 là 2,5 triệu tấn. Tuy nhiên cũng với những lý do trên, sản lượng mía của tỉnh ước đạt gần 2 triệu tấn trong năm 2020.

Tuy cả năng suất và sản lượng đều giảm so với dự kiến do ảnh hưởng dịch Covid-19, dịch trắng lá mía và mưa bão nhưng giá mía năm nay lại cao hơn 100.000 đồng/tấn nên cũng bù được phần nào công sức cho nông dân trồng mía trên địa bàn.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Giá mía, Gia Lai