Xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới trong bối cảnh kinh doanh bình thường mới

Kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới đang được hình thành cùng với sự chuyển đổi số và sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT). Điều này đã mang lại cho các chủ doanh nghiệp (DN) có cơ hội mở rộng xuất khẩu hàng hóa trên toàn cầu trên nền tảng TMĐT.

Ghi nhận cột mốc 1 triệu USD xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, gấp 2,5 lần so Nhật Bản. Đây cũng là tiền đề để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi có đến 33% số người mua hàng trực tuyến đã từng mua một mặt hàng nào đó từ nước ngoài. Đặc biệt năm 2020, nhờ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong xu hướng tiêu dùng - đổi từ cách thức mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sang trực tuyến.

Xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới trong bối cảnh kinh doanh bình thường mới

Dịch vụ FBA tiếp nhận, đóng gói, vận chuyển đến cung cấp các dịch vụ về sản phẩm cho khách hàng (Ảnh Internet)

Đánh giá mới nhất của Amazon Global Selling về hoạt động tại Việt Nam cho thấy hàng nghìn người bán hàng Việt Nam, từ những thương hiệu lớn và có tiếng như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các nhà sản xuất nội địa như MDK, các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop, Mary Craft... đều đang mở rộng và phát triển kinh doanh trên toàn cầu thông qua Amazon nhằm tiếp cận tới nhiều khách hàng và từng bước định vị thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Trong năm 2020, người bán hàng Việt Nam đã ghi nhận doanh số vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp ba lần so với năm 2019.

Bên cạnh việc tăng trưởng lợi nhuận, các DN Việt còn mang lại những ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế nội địa bằng cách tạo thêm nhiều cơ hội việc làm khi mở rộng kinh doanh. Đồng thời mang tới nhiều lựa chọn hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua nền tảng TMĐT cho khách hàng quốc tế từ các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Úc, Singapore...

Theo ông Đạt Phan - Giám đốc sàn TMĐT xuyên biên giới Fado.vn, mức sống ngày một nâng cao kéo theo hành vi tiêu dùng của người Việt cũng ngày một hiện đại. Họ bắt đầu nhìn ra khỏi thị trường nội địa để tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn từ các nhà cung cấp nước ngoài trên Amazon, Ebay… Mặt khác, các DN vừa và nhỏ trong nước cũng đang tìm đường vươn ra thị trường thế giới bằng cách bán hàng hóa trên các sàn uy tín này.

Chú trọng phát triển xuất khẩu hàng hóa trên nền tảng TMĐT

Nghiên cứu của Statista (Công ty nghiên cứu về thị trường và dữ liệu người dùng) cũng cho thấy Amazon là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại thị trường Hoa Kỳ, tính đến đến nay Amazon chiếm hơn 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ. Tiếp cận được với sàn TMĐT như Amazon, Alibaba sẽ giúp DN xuất khẩu Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam ngày càng nhiều sản phẩm "Made in Vietnam trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu như đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp, tiện ích gia đình... đang được đông đảo khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Hay khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ cũng là 3 nhóm sản phẩm quan trọng mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nữa trong năm 2021.

Thay vì sử dụng mô hình xuất khẩu truyền thống bao gồm nhiều thủ tục phức tạp, TMĐT xuyên biên giới giúp người bán hàng tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp. Từ đó, họ có thể giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thúc đẩy khách hàng truy cập các trang web của thương hiệu.

Hiện nay, chương trình Amazon Global Selling hỗ trợ các DN trên toàn thế giới phát triển kinh doanh toàn cầu dù họ ở bất kỳ đâu, tiếp cận khách hàng toàn cầu. Những người bán thuộc nhiều loại hình và quy mô có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua. Ngoài ra, các DN xuất khẩu bán hàng trên nền tảng TMĐT cũng được sử dụng mạng lưới hoàn thiện và vận chuyển các đơn hàng tiên tiến trên thế giới. Cụ thể như Fullfilment by Amazon (FBA) có thể giúp người bán lữu trữ sản phẩm của họ trong các kho hàng của Amazon - từ tiếp nhận, đóng gói, vận chuyển đến cung cấp các dịch vụ về sản phẩm cho khách hàng.

 

Theo Ngọc Thảo (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : Xuất khẩu hàng hóa, xuyên biên giới, kinh doanh bình thường mới