Thị trường nông sản tuần qua: Giá cà phê tăng trở lại

(thegioitiepthi.vn) - Tuần qua (ngày 11-16/1), giá lúa gạo nhìn chung ổn định, nhưng cá biệt có một số loại tăng nhẹ. Đặc biệt, mặt hàng cà phê đã có sự bật tăng trở lại, lấy lại được mốc 32.000 đồng/kg, tuy nhiên, mặt hàng tiêu vẫn duy trì mức giá tương đương tuần trước.

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, nhưng có một số loại lúa gạo tăng nhẹ. Ngày 15/1, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.700 - 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tuần trước; lúa Đài Thơm 8 từ 7.200 - 7.300 đồng/kg cũng tăng 100 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM duy trì giá ổn định từ 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.700-7.900 đồng/kg.

Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang vẫn giữ ổn định. Giá gạo thường giao động ở mức 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.500 - 15.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 -14.000 đồng/kg, gạo Hương lài 19.500 đồng/kg… nhưng tấm thường 12.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa thường (tươi) từ 6.600 - 6.800 đồng/kg, lúa chất lượng cao (tươi) 6.800 - 7.000 đồng/kg. Nhiều nông dân thu hoạch lúa Mùa bán được giá rất phấn khởi. Bà con kỳ vọng thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 sẽ trúng mùa, trúng giá, sản xuất lợi nhuận cao.

Hiện hầu hết lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thời kỳ phát triển, tuy nhiên một số đang bị nhiễm sâu bệnh như: đạo ôn lá, lem lép hạt, cháy bìa lá, bù lạch, sâu cuốn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, ốc bươu vàng, muỗi hành, sâu keo, sâu phao, chuột…

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có hơn là 8.910 ha đang bị nhiễm cá loại sâu bệnh. Chi cục khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ hiệu quả, bảo vệ lúa. Cán bộ kỹ thuật ở các địa phương cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trị kịp thời, hiệu quả.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến thời điểm này, tỉnh gieo cấy vụ lúa Mùa 58.724/63.000 ha, đạt 93,21% so với kế hoạch. Đến nay, nông dân đã thu hoạch 4.726 ha. Tiếp đến, lúa Đông Xuân gieo sạ 282.604/286.000 ha, đạt 98,81% so kế hoạch.

Mặt hàng cà phê bật tăng trở lại trong tuần qua. Ảnh: Hồng Điệp

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, tuần qua giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên đã bật tăng trở lại và một số nơi đã lấy lại mốc 32.000 đồng/kg. Giá cà phê ngày 16/1 dao động ở mức 31.800 - 32.200 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.800 đồng. Còn các các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 32.100 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.200 đồng/kg.

Tại cảng TP.HCM, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.418 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa), tính đến tháng 12/2020, Việt Nam đã thu hoạch được 70% sản lượng, dự báo giảm từ 10-15%. Trong khi đó, giá cà phê vẫn bấp bênh khiến khối lượng cà phê thu mua trong dân của niên vụ 2020/2021 ít hơn nhiều so với niên vụ trước. Giá cà phê ở mức thấp khiến người trồng cà phê tiếp tục gặp khó khăn.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, các chuyên gia dự báo thị trường cà phê thời gian tới có thể phục hồi nhưng rất chậm vì dịch Covid-19 vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch ở nhiều khu vực chưa được mở cửa trở lại.

Tiêu thụ trong nước vẫn chưa đạt được kỳ vọng do nhiều quán cà phê vắng khách, phải đóng cửa. Trong khi đó, hoạt động sản xuất cà phê trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của mưa bão, biến đổi khí hậu và già cỗi.

Về mặt hàng tiêu, theo Tintaynguyen, sau khi quay đầu giảm mạnh vào tuần trước đó, tuần qua giá tiêu nhìn chung duy trì ở quanh mức 50.000 đồng/kg. Giá tiêu ngày 16/1 trong khoảng từ 50.000 - 53.000 đồng/kg, tương đương so với cuối tuần trước.

Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa - Vũng Tàu là 53.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 51.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu ở mức thấp nhất là 50.000 đồng/kg.

Thị trường thế giới

Tại thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động ngược chiều nhau trong phiên ngày 15/1, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.

Giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 2,75 xu Mỹ (0,51%) xuống đóng cửa ở mức 5,315 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 13,75 xu Mỹ (0,96%) xuống 14,1675 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 tăng 5,5 xu Mỹ (0,82%) lên 6,755 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý giá ngô và đậu tương giảm do hoạt động bán ra chốt lời trước kỳ nghỉ lễ cuối tuần kéo dài ba ngày của Mỹ, trong khi đó giá lúa mỳ tăng do chính sách thuế xuất khẩu sắp tới của Nga.

Trong tuần này, giá đậu tương trên sàn CBOT đã tăng khoảng 45 xu Mỹ, giá ngô tăng 35 xu Mỹ còn giá lúa mỳ tăng 27 xu Mỹ. Ba mặt hàng nông sản chủ chốt trên sàn CBOT đều ghi nhận các mức cao mới trong 6-7 năm qua.

Nga dự kiến sẽ thông qua mức thuế xuất khẩu 1,65 USD/bushel, bắt đầu từ ngày 1/3 và kéo dài đến tháng 6/2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính rằng Nga sẽ xuất khẩu 39 triệu tấn lúa mì, cao hơn so với ước tính 31-33 triệu tấn của thị trường. Với thuế xuất khẩu của Nga, AgResource cho rằng không có khả năng giá lúa mỳ giao tháng 3/2020 giảm dưới mức 6,35 USD/bushel, khi các nhà nhập khẩu thế giới tìm tới lúa mỳ Mỹ.

Trong khi đó, tình hình thời tiết dự kiến sẽ khô hạn ở Trung/Nam Argentina. Trong vài ngày tới, sẽ có mưa đáng kể ở các khu vực sản xuất cây trồng chính ở Argentina trước khi tình trạng khô hạn trở lại trong 7-8 ngày và kéo dài khi nhiệt độ ấm lên.

Về thị trường gạo thế giới, giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ giao dịch ở mức cao của bốn tháng trong tuần này, trong khi đó đồng baht mạnh lên đã đẩy giá gạo Thái Lan lên mức "đỉnh" của 8 tháng.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức 383-390 USD/tấn, giữ ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2020.

Một nhà xuất khẩu từ Kakinada ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ cho biết, nguồn cung từ vụ Hè Thu đang tăng lên nhưng giá trong nước vẫn ổn định do nhu cầu xuất khẩu tốt và lượng gạo mua từ các cơ quan do nhà nước điều hành tăng lên.

Việt Nam cũng đã bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập niên, trong bối cảnh mức giá tăng cao và nguồn cung trong nước thấp.

Giá gạo 5% của Việt Nam không đổi ở mức 500-505 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011.

Tuy nhiên, một thương lái tại TP.HCM cho biết "doanh số bán vẫn chậm do thương lái đang chờ đợi vụ thu hoạch ĐôngXuân".

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 giảm 1,9% xuống 6,26 triệu tấn, song doanh thu xuất khẩu tăng 11,2%. Điều này là do giá gạo Việt Nam năm 2020 cao hơn và cũng do nông dân đang chuyển hướng tăng tỷ trọng gạo thơm có chất lượng cao hơn và có giá tốt hơn.

Thị trường gạo toàn cầu đang phải vật lộn với sự gián đoạn dịch vụ logistics tại các cảng lớn, trong khi xu hướng tích trữ lương thực trên toàn thế giới đang thúc đẩy nhu cầu.

Các thương nhân tại Bangkok cho hay giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 520-525 USD/tấn so với mức 515-520 USD/tấn trong tuần trước, do đồng baht mạnh, trong khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn không đổi.

Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn London đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Giá cà phê Arabica có lúc được đẩy lên rất cao, nhưng chốt phiên với mức tăng nhẹ. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2021 tại London (Anh) tăng 21 USD/tấn (1,58%), giao dịch ở mức 1.353 USD/tấn, còn giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York (Mỹ), tăng 0,8 xu Mỹ/lb (0,63%) lên 128,15 xu Mỹ/lb.

Thông tin Trung Quốc áp đặt biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 tại tỉnh Hồ Bắc khiến giá nông sản nói riêng và thị trường tài chính nói chung bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh đó, các thị trường nông sản đều đỏ sàn, tuy vậy riêng hai sàn cà phê vẫn tiếp tục tăng đều.

Theo thegioitiepthi.vn

Từ khóa : Thị trường nông sản, Giá cà phê