Phát huy lợi thế, khắc phục trở ngại cho vụ tôm 2021
(thegioitiepthi.vn) - Ảnh hưởng chung từ đại dịch Covid-19, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm liên tục, cộng với thời tiết diễn biến bất thường đã tác động không nhỏ vào hoạt động sản xuất của người dân. Vượt qua những khó khăn, trở ngại và thách thức đó nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng năm 2020 đạt thắng lợi. Năm nay, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để những vụ tôm tới thành công.
Để tiếp đà thắng lợi của vụ nuôi năm trước, trong năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp cho người nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy được những lợi thế có sẵn, khắc phục những trở ngại khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh để hướng đến một vụ tôm nước lợ thành công trong năm nay.
Theo đó, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ, triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách trong nuôi trồng thủy sản để người dân tiếp cận với áp dụng sản xuất tốt trong nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi có thể áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả vào trong sản xuất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để những vụ tôm tới thành công. Ảnh: TL
Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu sẽ thả nuôi 51.000 ha tôm nước lợ (tôm sú 16.000 ha, tôm thẻ chân trắng 35.000 ha) với sản lượng ước đạt 172.000 tấn trong năm 2021.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi hơn 51.000 ha, đạt gần 103% kế hoạch; trong đó, tôm thẻ chân trắng hơn 37.000 ha, chiếm 72% diện tích thả nuôi, còn lại là tôm sú. Tỷ lệ tôm thiệt hại năm 2020 được khống chế ở mức dưới 10% so với diện tích thả. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94%. Ước sản lượng đạt gần 188.000 tấn, vượt 12,5% kế hoạch và cao hơn 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hội nghị tổng kết ngành nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng năm 2020 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã nói: "Trước đây, người dân hay nói nửa thật nửa đùa với nhau rằng, ghét ai thì rủ người đó nuôi tôm. Điều này chứng tỏ rằng, nghề nuôi tôm nước lợ có được vụ nuôi là rất khó."
Nhưng trong những niên vụ gần đây, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay từ phía các doanh nghiệp và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh trong việc khắc phục những khó khăn, bất lợi, trở ngại để liên tục có được những vụ tôm thành công. Tỷ lệ tôm bị thiệt hại ngày càng giảm dần, hộ nuôi có lãi ngày càng cao.
Vì thế, cả về trước mắt và lâu dài, để có được những vụ tôm nước lợ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ vào nghề nuôi. Cùng với đó là từng bước chuyển dần sang nuôi thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, giảm rủi ro; xây dựng liên kết, tạo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững, tiến tới không còn hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, ngành tôm bên cạnh sự thích ứng và thuận thiên còn phải làm sao thay đổi được tư duy sản xuất của người nuôi tôm để hướng họ đến những mô hình nuôi hiệu quả hơn, môi trường nuôi được tốt hơn. Do đó, ngành nông nghiệp phải chủ động phối hợp cùng các địa phương để có sự phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh; phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nuôi và chế biến….
Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh thì một trong những điều luôn khiến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm chính là vấn đề về ứng dụng khoa học công nghệ vào trong nuôi tôm. Thực tế là những người đang khó khăn và chưa đạt được thành công trong các vụ nuôi chính là những người đang khó khăn về việc tiếp cận, thiếu vốn và thiếu hiểu biết về công nghệ. Ngành chức năng cần đầu tư, mở rộng việc cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm theo hướng công nghệ do nhu cầu ngày càng tăng, nguồn cung cấp hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu cho người nuôi sản xuất và phát triển.
Ông Võ Quan Huy kiến nghị thêm, để có được những thành công trong những vụ nuôi tôm nước lợ sắp tới, ngành chức năng cần có những cuộc họp kịp thời được duy trì hàng tháng, hàng quý để người nuôi tôm, các doanh nghiệp có những báo cáo, cập nhật kịp thời về những diễn biến của tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường… Từ đó, các đơn định hướng giúp người nuôi có thể điều tiết được kế hoạch sản xuất.
Chia sẻ về vụ tôm năm 2020, ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) thẳng thắn nhìn nhận, trong những tháng đầu năm 2020, cả doanh nghiệp và người tôm trên địa bàn tỉnh nói chung đều rất căng thẳng, nhưng đến cuối năm 2020 vừa qua, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm và có thể nhìn nhận và đánh giá vụ tôm 2020 là thành công.
Trong năm 2021 tới, để có một vụ tôm nước lợ thành công, hiệu quả thì thị trường tiêu thụ là một vấn đề lớn không chỉ có người nuôi tôm mà doanh nghiệp cũng rất quan tâm. Theo đánh giá hiện nay, vẫn chưa thể nói trước được tình hình thị trường trong năm sẽ diễn biến ra sao, thuận lợi hay thách thức như thế nào, nhưng nếu nhìn vào thực tế thị trường gần đây chúng ta vẫn có thể an tâm phần nào.
Ông Trần Văn Phẩm cho rằng, điều quan trọng trước tiên là dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa đi qua, nhưng lượng tôm nguyên liệu còn tồn kho thế giới đã giảm khá nhiều, khiến giá tôm hiện đang tăng rất cao. Đây là cơ hội để ngành tôm của tỉnh Sóc Trăng còn rất nhiều cơ hội để phát triển.
Cùng với những khó khăn về vấn đề khoa học công nghệ và lao động, cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi tôm như hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông… cũng là một rào cản cần tháo gỡ đối với sự phát triển của ngành tôm của tỉnh trong thời gian tới. Chính điều kiện giao thông tại những vùng nuôi chưa hoàn chỉnh là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí đầu vào và giảm giá bán tôm khi thu hoạch.
Ông Đào Đắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết, đối với vùng tôm lúa của huyện Mỹ Xuyên trong những năm qua đạt hiệu quả rất cao. Như trong vụ tôm vừa qua, tỷ lệ hộ nuôi có lãi chiếm cao, tôm bị thiệt hại chỉ khoảng 8% diện tích thả nuôi. Chủ trương xuyên suốt của địa phương là cứ sau một vụ tôm sẽ làm một vụ lúa để luân canh sản xuất, để đảm bảo cho vụ tôm trúng, vụ lúa cũng được mùa.
Thị xã Vĩnh Châu, địa phương có diện tích nuôi lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng với gần 25 nghìn ha, trong vụ nuôi tôm năm 2021, Vĩnh Châu tiếp tục khuyến cáo người dân thả nuôi theo lịch thời vụ để quản lý tốt dịch bệnh, không thả nuôi mật độ cao, thả nuôi tùy theo khả năng đầu tư và trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Thị xã vận động người dân thực hiện tốt các quy định trong nuôi tôm nhất là về quy hoạch vùng nuôi, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh; lựa chọn con giống, vật tư có chất lượng tốt.
Theo bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu thì địa phương sẽ tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi; rà soát, bổ sung kế hoạch nạo vét các kênh tạo nguồn. Thị xã cũng đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp, nhất là các công trình thủy lợi, đảm bảo đủ nguồn nước cho các vùng nuôi.
Quan trọng hơn là việc tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ, thúc đẩy liên kết sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Thị xã củng cố, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản nuôi tôm nước lợ, trong đó có dịch vụ cung cấp con giống, vật tư, thức ăn nhằm đảm bảo về chất lượng, giảm giá thành sản xuất, giúp người nuôi thu lãi cao nhất.
Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, gắn với từng vùng nuôi cụ thể, cùng những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc định hướng, đẩy nhanh xây dựng các công trình hỗ trợ, phục vụ vùng nuôi tôm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghệ cao đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Vụ tôm nước lợ năm 2021 sẽ tiếp tục mang lại sự thành công cho người nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : Phát huy lợi thế, khắc phục trở ngại, vụ tôm