Thêm cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu gạo
Hiện có 205 thương được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Lực lượng doanh nhân này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp hoạt động xuất khẩu gạo có nhiều khởi sắc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, tính đến ngày 18/1/2021, danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã tăng lên 205 thương nhân.
Cả hước hiện có 238 thương nhân xuất khẩu gạo |
Trong đó, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 43 doanh nghiệp. Tiếp đến là TP Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 20 doanh nghiệp; Đồng Tháp 18 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Nghệ An 7 doanh nghiệp; Kiên Giang, Vĩnh Long 6 doanh nghiệp...
Trước đó, ngày 15/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 01/10/2018, thay thế cho Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Cũng trong ngày 01/10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 30/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Thông tư số 30/2018/TT-BCT có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Chính phủ, của Bộ Công Thương về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cụ thể, loại bỏ quy định về địa bàn đầu tư xây dựng, quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, khuyến khích thương nhân đầu tư sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng gạo có chất lượng, giá trị cao; thương nhân có thể thuê kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh…
Sau hơn 1 năm thực thi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP với những cải cách, tư duy mới, Bộ Công Thương đã cấp thêm 47 Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nâng con số thương nhân xuất khẩu gạo lên 182 thương nhân. Đến ngày 21/1/2021, thì số thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã lên 205 thương nhân.
Gạo được đánh giá là một trong những mặt hàng đã đạt kết quả ấn tượng trong năm 2020 với kim ngạch vượt mốc 3 tỷ USD, tăng tới 9,3% so với năm 2019. Đầu năm 2021, lô gạo 1.600 tấn của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu thành công sang Malaysia và Singapore. Đây là tín hiệu tích cực ngay sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào trung tuần tháng 11/2020.
Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài. Trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sẽ được Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn.
Bên cạnh lô hàng nói trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn chuẩn bị được xuất sang Đức.
Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 503 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo xuất khẩu trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn. Nguyên nhân là dịch COVID-19 khiến các thị trường nhập khẩu chính như Philippines, châu Phi tiếp tục kí hợp đồng và thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu có nhu cầu trở lại.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I-2021 vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines…
Trong thời gian tới, theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên tập trung cho chế biến sâu, chất lượng. Quy hoạch lại vùng trồng lúa, định hướng thị trường để bán, củng cố các đầu mối xuất khẩu có thông tin và luật lệ rõ ràng. Đặc biệt, với giá lúa cao như hiện nay sẽ có tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành, tư duy ngắn hạn, sợ lúa mình bán không được nên cạnh tranh bán kiếm lời. Đây là thời cơ để tổ chức lại hoạt động xuất khẩu lúa gạo.
Các doanh nghiệp Việt nên chọn lọc sản phẩm, phân khúc thị trường theo khả năng và quy mô doanh nghiệp của mình. Phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người dùng, chứ không thể bán những gì chúng ta có. Đặc biệt, gạo bán ra thị trường phải an toàn và sạch tuyệt đối.
Từ khóa : Giấy chứng nhận, xuất khẩu gạo