The Straits Times: Chuyên gia nói gì về tiềm lực kinh tế Việt Nam trên nền bất định?
The Straits Times (Singapore) nhận định, thành công của Việt Nam đã khiến cho nhiều quốc gia láng giềng phải ghen tị. Việt Nam đã đạt được kết quả kinh tế tương đối tốt bất chấp ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,91% - con số tốt nhất trong khu vực.
Một trong những lý do chính cho thành tựu này đó là Việt Nam đã xử lý đại dịch nhanh chóng và hiệu quả. Chỉ trong vài ngày kể từ khi Trung Quốc công bố trường hợp nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã huy động mọi người dân giúp phát hiện và truy vết. Điều này đã cho phép đất nước mở cửa lại nền kinh tế vào cuối tháng 4/2020 và tập trung vào việc phục hồi.
Khi ngành du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, cùng với các hoạt động sản xuất ban đầu cũng chịu những tác động đáng kể thì nhu cầu trên toàn thế giới đối với các sản phẩm CNTT và nội thất lại tăng lên nhanh chóng, thúc đẩy bởi các quy định giãn cách xã hội cũng như các hoạt động làm việc và học tập từ xa. Sự gia tăng nhu cầu này là động lực lớn cho lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện, các nhà phân tích đều cho rằng đây là thời điểm đột phá của Việt Nam, và Việt Nam nên nắm bắt các cơ hội này một cách nhanh chóng. Theo đó, Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua cũng đã đặt ra các kế hoạch cụ thể để đạt được những mục tiêu này.
Một trong những mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm được nhấn mạnh tại Đại hội là tăng gấp đôi GDP vào năm 2025 so với mức năm ngoái. Đồng thời, Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao. Một số mục tiêu chính khác đó là chú trọng phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân, nâng cao chuỗi giá trị bằng cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng tốt hơn.
Trong khi các nhà phân tích lạc quan về tiềm năng tiếp tục tăng trưởng và phát triển của Việt Nam - thậm chí trở thành phép màu châu Á tiếp theo, thì vẫn có những thách thức đặt ra, điển hình như tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ những bất định do đại dịch gây ra, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, nhu cầu về cơ sở hạ tầng hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung...
Các yếu tố tăng trưởng
Thành công của Việt Nam trong 3 thập kỷ qua là kết quả đáng chú ý từ công cuộc Đổi mới vào năm 1987. Thương mại tự do hóa cùng với việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, ký hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ năm 2000 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 - đã tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.
Ngay sau đó, Việt Nam đã ký thêm vô số thỏa thuận thương mại, trong đó điển hình gồm Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm ngoái và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cùng với nhiều làn sóng đầu tư mới, Việt Nam đã dần trở thành trung tâm sản xuất khu vực Đông Nam Á, với các nhà sản xuất dệt may và các gã khổng lồ điện tử xuất hiện ngày càng nhiều. Đến năm 2017, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu quần áo lớn nhất và xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 2 trong khu vực. Căng thẳng tương mại Mỹ - Trung cũng là một nhân tố thúc đẩy sự chuyển dịch hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sang Việt Nam.
Thúc tăng trưởng trên nền 'bất định'
Làn sóng dịch bênh lần thứ 3 xuất hiện vào tháng trước đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến mùa mua sắm Tết tại Việt Nam. Đáng chú ý, nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc vào thương mại và đầu tư, do vậy tốc độ tăng trưởng cũng sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia khác kiểm soát dịch bệnh.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore - ISEAS Yusof Ishak dự báo, nếu đại dịch không được kiểm soát triệt để trên toàn thế giới vào mùa hè năm nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt mức 4-5%.
Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy thu hút đầu tư có chất lượng cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị với các lĩnh vực năng suất hơn và thu nhập cao hơn, đồng thời giảm bớt các vấn đề ô nhiễm. Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như ngành công nghiệp may mặc đang gây ô nhiễm cao.
Phần lớn hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này cũng ở mức thấp và thâm dụng lao động ở mức cao. Ngay cả khi lĩnh vực công nghệ đang phát triển thì phần lớn hoạt động lại là lắp ráp sản phẩm với giá trị gia tăng thấp. Như vậy, để nâng cao chuỗi giá trị, cần phải giải quyết một số vấn đề, trong đó có thiếu hụt lao động kỹ năng cao.
'Bài toán' về tiềm lực
Liên quan đến trình độ giáo dục đại học, ông John Marrett, chuyên gia phân tích cao cấp tại Economist Intelligence Unit (EIU) nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ cần gia tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học mà còn cần mở rộng phạm vi giáo dục đại học.
Một vấn đề khác ông John chỉ ra đó là khó khăn trong chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý của các công ty nước ngoài cho các doanh nghiệp, nhân viên tại Việt Nam. Đồng thời, cần giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho biết, để Việt Nam tự chủ hơn và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, cần phải tập trung phát triển khu vực địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Khi hầu hết các nhà phân tích đều tự tin rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, thì những yếu tố bất định là thách thức lớn đối với quốc gia này. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế trên thế giới, điển hình ở phương Tây sẽ tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu đáng kinh ngạc hiện nay của Việt Nam.
Anh Vũ
Doanh nghiệp tiếp thị
Theo cafebiz.vn
Từ khóa : The Straits Times, Chuyên gia, tiềm lực kinh tế Việt Nam