Rủi ro bị lừa đảo trên mạng internet của người dùng Việt Nam ở mức cao kỉ lục
(thegioitiepthi.vn) - Một số rủi ro đối với người dùng trực tuyến tại Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2017: lừa đảo chiếm 36% (tăng 6%), xúc phạm chiếm 28% (tăng 8%) và phân biệt đối xử chiếm 16% (tăng 4%).
Người dùng cần thận trọng khi lên mạng internet. Ảnh: IT.
Microsoft vừa công bố các phát hiện từ nghiên cứu thường niên - “Văn minh, An toàn và Tương tác Trực tuyến - 2020” và Chỉ số Văn minh trên Không gian mạng (DCI) năm 2020.
Kết quả cho thấy, chỉ số DCI năm 2020 của Việt Nam thấp hơn nhiều so với trung bình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) với điểm DCI là 72, trong khi đó điểm của APAC là 66 (theo Microsoft, chỉ số DCI càng thấp thì mức độ văn minh càng cao - PV).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong năm quốc gia có điểm số cải thiện nhất trên toàn cầu khi giảm từ mức 78 điểm của năm 2019. Điều này có nghĩa ngày càng có ít người gặp phải các tương tác tiêu cực hoặc rủi ro trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số rủi ro đối với người dùng trực tuyến tại Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2017: lừa đảo chiếm 36% (tăng 6%), xúc phạm chiếm 28% (tăng 8%) và phân biệt đối xử chiếm 16% (tăng 4%).
Khảo sát DCI được tiến hành hàng năm trong 5 năm qua. Cuộc khảo sát gần đây nhất có sự tham gia của 16.000 người đến từ 32 khu vực địa lý và được hoàn thành từ tháng 4 đến tháng 5/2020 (trong số này, có 503 người tham gia khảo sát đến từ Việt Nam).
Nghiên cứu đã thăm dò ý kiến hai nhóm tuổi - người trưởng thành và thanh thiếu niên - về các tương tác trên mạng cũng như rủi ro trực tuyến mà họ từng gặp phải. Có 9 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tham gia khảo sát năm nay, bao gồm: Australia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
“Hàng năm, Microsoft thực hiện nghiên cứu về văn minh trực tuyến nhằm nâng cao nhận thức của người dùng mạng Internet và thúc đẩy tương tác trực tuyến tích cực trên toàn cầu. Trong bối cảnh Covid-19, chúng ta không chỉ phụ thuộc mà hơn bao giờ hết chúng ta đã chủ động đón nhận các công nghệ kỹ thuật số. Theo đó, môi trường Internet an toàn hơn sẽ không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của người dùng, mà còn tác động tích cực đến sức khỏe và đời sống tinh thần của cộng đồng”, ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho biết.
Thanh thiếu niên (13-16 tuổi) chính là nhóm giúp cải thiện điểm số DCI của Việt Nam. Cụ thể, nhóm này đạt 69 điểm trong thước đo văn minh trực tuyến, trái ngược với người trưởng thành là 74.
Ngoài ra, 43% người tham gia khảo sát tại Việt Nam nhận thấy mức độ văn minh trực tuyến được cải thiện trong thời kỳ đại dịch do người dùng mạng có ý thức cộng đồng cao hơn và chứng kiến nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau hơn. Trong khi đó, 18% người tham gia lại cho rằng mức độ văn minh trực tuyến trong thời gian này tệ hơn vì có nhiều thông tin sai lệch gây hiểu lầm được lan truyền và bản thân họ thấy nhiều người hành động ích kỷ hơn.
Người dùng mạng phải đối mặt với nhiều rủi ro ẩn danh xảy ra trong thời gian gần đây, với 25% người được hỏi tại Việt Nam cho biết họ đã gặp phải một rủi ro trực tuyến trong tuần vừa qua và 59% cho biết tác nhân gây ra rủi ro là người lạ.
Tại Việt Nam và Châu Á Thái Bình Dương, Microsoft đang hợp tác với các cơ quan chính phủ, giới học giả, tổ chức xã hội dân sự và các bên liên quan khác để chia sẻ các phương pháp tốt nhất về an toàn kỹ thuật số, để từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho các cuộc thảo luận về chính sách và quy định, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường trực tuyến lành mạnh, tôn trọng.
Theo thegioitiepthi.vn
Từ khóa : lừa đảo trên mạng, người dùng Việt Nam