[BizDEAL] Cái bắt tay của Vingroup với hàng trăm doanh nghiệp Việt
BizLIVE - Vingroup sẽ bán hộ không lãi, cam kết trả cho đối tác doanh thu theo đúng mức giá công bố thông thường, toàn bộ chiết khấu sẽ được hoàn trả 100% về nhà cung cấp.
Ảnh minh họa. |
Doanh nghiệp thực phẩm hưởng chiết khấu 0% khi đưa hàng vào siêu thị của Vingroup
Sáng 1/6, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”.
Gần 250 doanh nghiệp ký kết thoả thuận hợp tác với Vingroup thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hoá mỹ phẩm, văn phòng phẩm đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm, thời trang, bông vải sợi đến từ 18 tỉnh, thành phố.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, hơn 140 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác về phân phối, trong vòng 1 năm từ 1/6/2016 đến 1/6/2017 sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý.
Riêng doanh nghiệp cung ứng thực phẩm đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu 0%.
MB tài trợ tín dụng 35,5 triệu USD cho Vietjet Air mua máy bay mới
Đây là hợp đồng tín dụng dài hạn, có giá trị tối đa 35,5 triệu USD, nằm trong khuôn khổ Hợp đồng thỏa thuận hợp tác nguyên tắc giữa MB và Vietjet được ký kết hồi tháng 12/2015.
Theo thỏa thuận nguyên tắc được ký kết hồi cuối năm ngoái, MB và Vietjet sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cụ thể như cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn ở mức 500 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động và thanh toán tiền trả trước mua máy bay, tài trợ dài hạn 50 triệu USD đầu tư mua mới máy bay từ hãng Airbus cho giai đoạn 2015 - 2020;...
Ụ nổi hơn 500 tỷ của Vinalines, nay bán được 38,5 tỷ đồng
Ngày 3/6, thông tin từ Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, vừa tiến hành xong việc đấu thầu bán ụ nổi 83M.
Theo đó, một cá nhân đã thắng thầu với mức giá 38,5 tỷ đồng. “Hiện Vinalines đang làm việc với các cơ quan, ban ngành để xử lý các vấn đề liên quan chi phí neo đậu của ụ nổi, sau đó sẽ chính thức công bố” – nguồn tin này cho hay.
Ụ nổi 83M được Nhật Bản sản xuất, bán cho Nga vào năm 1965 (đến nay là 51 năm). Ụ nổi bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm của Nga dừng phân cấp, quản lý từ năm 2006. Năm 2008, dưới thời kỳ Dương Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Mai Văn Phúc làm Tổng GĐ, Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi này 9 triệu USD (trong khi đơn vị sở hữu chào giá 5 triệu USD). Tổng chi phí sửa chữa, vận chuyển ụ nổi này về Việt Nam lên đến 19,5 triệu USD.
Năm 2013, khi vụ án tham ô tài sản tại Vinalines liên quan ụ nổi tai tiếng này được đưa ra xét xử (ông Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều bị tuyên án tử hình), tổng giá trị của ụ nổi được xác định hơn 500 tỷ đồng (gồm tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, bảo quản, dù chưa một lần sử dụng). Vào đầu năm 2016, Vinalines thông báo bán đấu giá ụ nổi này với giá sàn 34,85 tỷ đồng.
Theo BẢO VY (BizLive.vn)
Từ khóa : Vingroup