Cuộc đua thu hút nhân tài của các ngân hàng số

Các ngân hàng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để thích nghi với những thay đổi nhanh của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, để chuyển đổi số họ lại đang gặp thách thức trong thu hút nhân tài bởi ngân hàng số là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các ngân hàng truyền thống.

Theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 được xem là yếu tố thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số ngành ngân hàng sớm thêm từ 3 đến 5 năm, đặt các hệ thống ngân hàng trước yêu cầu bắt buộc phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Tuy vậy, chuyển đổi số mang tới thách thức về nhân sự cho ngành ngân hàng, bên cạnh những lợi ích về hiệu quả vận hành, kinh doanh bởi muốn chuyển đổi số hiệu quả thì phải có nhân sự hiểu cả công nghệ và nghiệp vụ kinh doanh.

Cuộc đua thu hút nhân tài của các ngân hàng số

Nhân lực mảng Big Data (dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học), AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ giúp ngân hàng số tận dụng được nguồn dữ liệu, kiến thức từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất cho khách hàng. Ảnh: Internet

Đây cũng là điều dễ hiểu khi thời gian vừa qua, không ít ngân hàng số đã xem nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng mang lại đột phá giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên những vấn đề hiện nay mà ngành ngân hàng nói chung, ngân hàng số nói riêng đang gặp phải là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó dẫn tới cuộc cạnh tranh nhân sự rất quyết liệt, thậm chí, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, sự cạnh tranh nhân sự chuyển đổi số không chỉ diễn ra giữa các ngân hàng, mà còn giữa ngân hàng với các công ty fintech - những đơn vị chấp nhận trả rất nhiều tiền để thu hút nhân sự chất lượng.

Lý giải vấn đề này, ông Bùi Hải An - Giám đốc vận hành Timo - một trong những ngân hàng số tiên phong tại thị trường Việt Nam, nhận xét: Ngân hàng số là lĩnh vực còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nguồn nhân lực chủ yếu được tuyển dụng từ các ngân hàng truyền thống với chuyên môn tài chính ngân hàng, hoặc từ các công ty công nghệ.

Cùng quan điểm này, đại diện của Ngân hàng Vietcombank cho rằng, nhân sự chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hiện không nhiều, đa phần đều chạy lòng vòng từ ngân hàng này qua ngân hàng khác. Mặc dù đội ngũ IT trong các ngân hàng không hề ít, nhưng số người có tư duy đầy đủ liên quan đến chuyển đổi số thì còn hạn chế. Do đó, theo ông Tuấn, bản thân các ngân hàng cần tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cho hệ thống của mình để bổ sung nguồn lực, bên cạnh đó cần tìm kiếm thêm nguồn lực từ trong nước và nước ngoài. Như tại Vietcombank, hiện chức danh giám đốc và một phó tổng giám đốc của ngân hàng số đều do người nước ngoài đảm nhiệm.

Trước thực trạng như trên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có các chương trình đào tạo về nhân sự chuyển đổi số, cụ thể là các kỹ năng phân tích dữ liệu, phân tích trải nghiệm khách hàng, quản trị rủi ro trong môi trường số...

Về phía từng doanh nghiệp cũng đều có giải pháp riêng. Chẳng hạn với Timo, theo ông An, để tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tài chính, doanh nghiệp này sẽ xây dựng đội ngũ “customer experience - Nhân viên chăm sóc và phát triển trải nghiệm khách hàng”, được tuyển từ ngành tài chính ngân hàng, hoặc từ các ngành dịch vụ bảo hiểm, du lịch, khách sạn, nhà hàng, du lịch… để giúp tăng trải nghiệm khách hàng cũng như mang lại “khái niệm mới” cho dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Bên cạnh tuyển dụng, Timo còn đầu tư dài hạn vào đào tạo, phát triển nhân viên, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các chính sách phúc lợi để giữ chân nhân tài.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng đang tiếp tục phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến cũng ngày càng phát triển. Trong xu thế đó, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng, giao dịch từ xa, trợ lý ảo…

Theo Mai Ca (Báo Công Thương Điện Tử)

Từ khóa : nhân tài, ngân hàng số