Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt
Mới đây, tại Quyết định 386/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án).
Tại Đề án, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động theo nội dung của Đề án.
Ảnh minh họa |
Đề án quan trọng này đặt ra nhiều mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa...). Giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Để đưa những mục tiêu có thể nói là khá tham vọng này, Đề án xác định, nhóm giải pháp hàng đầu là giúp thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng với hàng Việt để từ đó người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất, kinh doanh phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động.
Có thể nhận thấy, cùng với việc khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm với hàng Việt của người tiêu dùng trong nước, phát huy tối đa vai trò doanh nghiệp trong nước, một yêu cầu được đặt ra của Đề án là hiểu được người tiêu dùng Việt Nam để trên cơ sở đó phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước thời gian tới.
Với 65% dân số ở nông thôn và 35% dân số ở thành thị, thực tế cho thấy giá cả vẫn là yếu tố quan trọng trong quyết định mua sắm của người dùng Việt. Thị trường bán lẻ trong nước với sự chen chân của nhiều thương hiệu nước ngoài và yêu cầu giảm giá thành sản phẩm rõ ràng là yêu cầu sống còn với doanh nghiệp trong nước.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang ngày càng "thông minh" và kỹ tính hơn trong việc mua sắm, đặc biệt với các sản phẩm có giá thành cao do việc có điều kiện so sánh, tiếp cận thông tin hàng hóa từ internet và mạng xã hội. Nguồn gốc của hàng hóa cũng nằm trong "đích ngắm" hàng đầu của người tiêu dùng trong nước.
Mặc dù các kênh mua sắm truyền thống vẫn phổ biến song người tiêu dùng Việt đang ngày càng ưa chuộng và tiến tới tiêu dùng trực tuyến. Một báo cáo nghiên cứu về xu hướng marketing năm 2021 mới đây cho thấy, các sản phẩm liên quan đến sức khỏe càng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm.
Đề án xác định quan điểm "Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trên cơ sở phát triển nền kinh tế hàng hóa và tác động trở lại phát triển bền vững nền sản xuất hàng hóa trong nước với năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế ngày một nâng cao, bảo vệ môi trường, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của từng địa phương, từng vùng kinh tế".
Từ khóa : Thủ tướng Chính phủ, Đề án, Phát triển thị trường trong nước, hàng Việt Nam